Một dự án chung cư tại Nam Trung Yên mở bán cách đây một tháng. Hiện trên thị trường, các căn hộ tại dự án được rao bán với giá gốc khoảng 26-28 triệu đồng mỗi m2 thông thủy, đã gồm thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, người mua hiện phải trả giá chênh từ 4 đến 6 triệu đồng cho mỗi m2. Theo đó, với diện tích dao động từ 60-102 triệu, mỗi căn hộ có giá chênh 300-500 triệu đồng so với giá gốc.
Tuy nhiên, anh Tiến, một môi giới cho hay, những căn đẹp, căn góc hiện đều đã được bán hết. Do đó, nếu khách hàng mua lại có thể phải trả thêm khoảng 1-2 triệu đồng mỗi m2, tức là giá chênh mỗi căn khoảng 600 triệu đồng. Mức giá bán nói trên tương đương mỗi m2 dao động từ 30,5-33,5 triệu đồng.
"Để có quyền phân phối dự án, chúng tôi phải đặt cọc đến 100 triệu một căn cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư không chi tiền quảng cáo, truyền thông mà do các sàn tự chịu nên giá bán ra phải có chênh. Hơn nữa, mức giá chênh nói trên hoàn toàn dựa trên phương diện cung - cầu trên thị trường và so sánh với giá bán của những dự án khác ở cùng khu vực", anh Tiến cho hay, đồng thời cho biết khách hàng sẽ ký hợp đồng với chủ đầu tư nhưng không được nhận hóa đơn với khoản tiền chênh nói trên.
"Điều quan trọng là khách hàng vẫn được ký hợp đồng mua nhà trực tiếp với chủ đầu tư là một doanh nghiệp có uy tín, nên người mua không phải lo ngại về tính pháp lý cũng như tiến độ", anh Tiến lý giải.
Tuy nhiên, theo khảo sát, với cách bán hàng như trên, cùng một căn hộ nhưng các sàn lại rao bán với mức giá chênh khác nhau.
Tại một dự án khác mới mở bán trên đường Lê Văn Lương, anh Ngọc (Hà Đông) cũng vừa phải mua căn hộ với giá chênh 500 triệu đồng mỗi căn. Với diện tích trên dưới 100m2, mỗi mét vuông, người mua nhà phải chịu thêm 5 triệu đồng so với giá gốc. Ở một dự án chung cư tại Hoàng Mai, người mua cũng đang phải chịu giá chênh từ 150 đến 300 triệu đồng mỗi căn, tùy diện tích, tương đương mỗi mét vuông đắt thêm 3-4 triệu đồng.
Theo khảo sát, thực tế ở những dự án này không xảy ra tình trạng khan hàng, khách mua căn nào cũng có. Tuy nhiên, khách hàng đều phải là mua lại từ các nhà đầu tư thứ cấp và phải trả tiền chênh.
"Những nhà đầu tư này thường là nhân viên kinh doanh các sàn, dân môi giới...", một môi giới lý giải.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam cho hay, tình trạng giá chênh chỉ xuất hiện ở một số dự án mới được tung ra thị trường, được đánh giá tốt hoặc có cơ chế bán hàng đặc biệt. Chủ đầu tư thường là doanh nghiệp nhà nước, thông qua các sàn phân phối để bán hàng theo cơ chế đặt cọc, bán sỉ theo sàn.
Ông cảnh báo, với những dự án có giá chênh, rủi ro sẽ bị đẩy về phía người mua, đặc biệt nếu dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai bởi khoản tiền chênh không có hóa đơn, chứng từ.
Ông cũng khẳng định, việc bán giá chênh ở một số dự án không phản ánh sự sôi động của thị trường. Thực tế, theo ông Toản, thanh khoản thị trường quý cuối năm nay so với cùng kỳ năm ngoái không tốt, chỉ bằng khoảng 70%, tuy nhiên không có sự đồng đều giữa các dự án. Thanh khoản tốt chỉ tập trung vào những dự án có giá bán tầm trung, còn căn hộ cao cấp rất chậm. Hơn nữa, việc giao dịch trên thị trường rất minh bạch, thậm chí nhiều nhà đầu tư thứ cấp còn phải cắt lỗ hàng trăm triệu mới thu hồi được vốn.
Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR) cho hay, các chủ đầu tư, đơn vị phân phối thường kỳ vọng lớn vào quý cuối năm nên dẫn đến giá bán bị nhiễu. Tuy nhiên, theo ông, thực tế thị trường năm nay có sự phân hóa khá rõ ràng giữa các phân khúc. Những dự án thanh khoản tốt, chủ yếu ở phân khúc giá rẻ, tầm trung dưới 25 triệu đồng mỗi m2 và tiến độ, pháp lý đảm bảo. Trong khi đó, những dự án có trên mức giá này tốc độ bán hàng rất chậm.
"Khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về tính pháp lý, uy tín chủ đầu tư và tiến độ xây dựng trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường đang quá nhiều. Do đó, những dự án nếu bán giá chênh hoặc phương thức giao dịch không minh bạch có thể khiến người mua để ở cũng như nhà đầu tư e ngại", ông Quỳnh nhận định.