> Cải cách kinh tế năm 2012: Vượt cản ngại của nhóm lợi ích
Trong Hội thảo 5 năm sau khi gia nhập WTO của Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 28-2, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần chuyển biến mạnh mẽ về thể chế để hội nhập sâu, rộng hơn với khu vực, thế giới. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mọi người đều thấy cái được, mất, cơ hội, thách thức ở đó, nhưng không ai muốn quay lại bó mình trong cơ chế cũ, hoặc tự biệt lập.
Tuy nhiên, theo bà Lan, về mặt bằng xã hội, sự phân cách giàu nghèo lớn lên, khoảng cách giữa các vùng miền doãng ra, đây là lo ngại. Về văn hóa, xã hội cũng có những bất ổn hơn, việc duy trì, bảo tồn nền văn hóa của dân tộc đứng trước sự đe dọa, thách thức của hội nhập toàn cầu. Bà Lan cũng chỉ ra những tiêu cực đáng lo ngại khác là nạn tham nhũng, quan liêu có phần nặng nề hơn thời gian qua.
“Tôi thấy đây không phải là hệ quả của việc gia nhập WTO, nhưng 5 năm qua, một số người có quyền, thế tận dụng cơ hội để giành nhiều lợi ích cho họ, có cách làm không lành mạnh, gây ra tham nhũng”- bà Lan nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự lại nói: “Lúc bắt đầu đàm phán WTO, thu nhập bình quân của Việt Nam 400 USD/người/năm, lúc kết thúc quá trình đàm phán, gia nhập một thời gian, chúng ta nâng lên khoảng 1.000 USD. Hiện nay, khoảng 1.200 USD/năm. Việc tăng thu nhập đó, không chỉ do quá trình đàm phán, mở cửa thị trường, mà do sự cố gắng của toàn dân, đặc biệt là doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Tự, thách thức lớn nhất là có dám thay đổi mình không. Gia nhập WTO, chỉ tạo môi trường tốt để phát triển, WTO không làm cho chúng ta giàu lên, không làm cho nghèo đi. Biết tận dụng thì sẽ giàu lên.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, có 3 điểm hạn chế trong thời gian qua của Việt Nam cần cải thiện là tính minh bạch, tự giải trình; tính thực thi. Theo TS Thành, ở Việt Nam thường phổ biến ý chí của cấp trên tuân thủ nghiêm hơn là tuân theo chân lý của thị trường.
“Cần thay đổi tư duy của người đứng đầu và áp lực từ chính cuộc sống. Chúng ta đã có những khoán 10, khoán 100 trong nông nghiệp, và thậm chí biết đâu, từ vụ đất đai ở Tiên Lãng, cũng có thể tạo thành một dấu mốc về sự thay đổi lớn trong quản lý đất đai”- ôngThành nói.
Theo TS Thành, trong tầm nhìn 5 năm tới, cần tái cấu trúc hệ thống tài chính-ngân hàng, đầu tư công, và doanh nghiệp nhà nước. TS Thành cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn về vấn đề đất đai, trong đó cần làm rõ nội hàm sở hữu (quyền sở hữu đất).