> Tư nhân đăng kiểm ô tô: Sẽ bớt tiêu cực?
Sẽ khó tiêu cực lộ liễu
Theo ông Trịnh Ngọc Giao, hiện đã lắp đặt camera tại 44/102 trung tâm trong cả nước. Cục này dự kiến hoàn thành lắp đặt camera tại tất cả các trạm trong năm nay.
Thực tế, có nhiều hành vi tiêu cực không dễ phát hiện bằng camera, thưa ông?
Tất nhiên, camera cũng không bằng kiểm tra tận nơi, nhưng qua đó cũng nắm được tình hình chung. Bên cạnh đó, vì biết có camera giám sát nên các đăng kiểm viên (ĐKV) cũng phải làm việc trách nhiệm hơn.
Tôi nghĩ không thể phát hiện hết tiêu cực, nhưng chắc chắn sẽ giảm và không dám lộ liễu, trắng trợn nữa.
Hình ảnh camera từ các trung tâm đăng kiểm sẽ truyền về trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN). Chúng tôi cũng sẽ bất chợt kiểm tra qua hình ảnh bất cứ trung tâm nào.
Chưa kể, ngay tại mỗi trung tâm đăng kiểm có màn hình ở ngoài cho mọi người theo dõi và màn hình riêng để giám đốc trung tâm đó quản lý.
Vậy từ khi lắp camera đã phát hiện nhiều tiêu cực chưa, thưa ông?
Dấu hiệu nghi ngờ tiêu cực cũng có 3-4 trường hợp. Có thể không phát hiện “đút” tiền, nhưng có chuyện bỏ qua công đoạn đăng kiểm. Nhìn chung 2 năm gần đây, tôi dám khẳng định là xe khách không có lỗi kỹ thuật sau khi kiểm định.
Thực tế cho thấy 22% xe khách không đạt lần đầu phải quay về sửa chữa rồi kiểm định lại. Không nói là hiện tượng tiêu cực đã hết, nó vẫn còn chỗ này chỗ khác, nhưng phải tăng cường kiểm tra kiểm soát, đưa hẳn nội dung nâng cao đạo đức cho ĐKV.
Trong năm 2013 sẽ làm các việc sau: Mỗi ĐKV phải kiểm tra được 1 xe từ đầu đến cuối (thay vì mỗi người phụ trách một công đoạn như hiện nay), làm được các công đoạn; ĐKV phải biết lái xe, thay vì để lái xe đưa vào tận nơi như hiện nay. Tóm lại, lái xe không được tiếp xúc với ĐKV.
Đăng kiểm tư nhân “chết yểu”
Thế có trường hợp nào xe ngoại lắp tại Việt Nam được ĐKV phát hiện như vụ báo chí phát giác gần 100 động cơ xe Toyota bỏ quên đến gỉ sét hơn 2 năm không?
Phát hiện những lỗi nhỏ thì có. Thật ra, giai đoạn đầu họ cũng hơi ẩu, chủ quan về chất lượng xe của hãng.
Thời gian gần đây, do người tiêu dùng ngày càng hiểu biết về kỹ thuật, cộng thêm báo chí làm căng; đăng kiểm cũng căn cứ vào đó để làm chặt nên các hãng cẩn thận hơn.
Một số trường hợp khách hàng phản ánh thì Cục ĐKVN đã thông báo cho các hãng. Thường thì họ cũng chủ động gửi thông báo cho Cục ĐKVN về những trường hợp xe bị lỗi phải triệu hồi và đưa ra phương án xử lý.
Gần đây, ĐKVN cũng làm rất căng. Ví dụ, mới đây xe máy của Honda VN có lỗi kỹ thuật lắp nhầm dây điện, đã buộc phải thu hồi mấy trăm ngàn xe; xe ô tô của Toyota cũng vậy...
Các trạm đăng kiểm do tư nhân lập ra hình như đã “chết yểu”, thưa ông?
Giai đoạn 2006-2007, chúng tôi thí điểm được 9 đơn vị. Lúc đó ra văn bản giao cho họ làm toàn bộ, từ đầu tư thiết bị đến con người. Trong quá trình thực hiện, họ chỉ đạo người của mình làm dễ dãi để thu hút phương tiện vào nhiều.
Ở nước ta có một thực tế, người dân mang xe đi kiểm định không phải để an toàn cho chính mình, mà do đến hạn thì phải làm. Xe cá nhân còn cẩn thận, chứ xe khách, xe tải chỉ muốn nhanh để về. Chính vì vậy, họ chọn nơi dễ để làm cho nhanh.
Khi ĐKVN phát hiện có nói với doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp làm nghiêm và họ thấy khó nên xin thôi. Hai doanh nghiệp ở TP HCM đã xin thôi hoàn toàn.
Các đơn vị khác như ở Đắc Lắk, Bộ GTVT có ý kiến phải quay lại sở GTVT quản lý. Ở Gia Lai, nhà nước đang phải tiếp nhận lại. Có nơi khác, ĐKV nhiều tháng không có lương, chủ đơn vị xin quay về với nhà nước.
Tới đây sẽ có mô hình xã hội hoá mới: Tư nhân đầu tư cơ sở vật chất, nhưng con người là của nhà nước, của sở GTVT hoặc của cục ĐKVN thực hiện (các ĐKV là viên chức nhà nước, độc lập với cơ sở đăng kiểm).
Cám ơn ông.