Các chủ cửa hàng loay hoay
Cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 1/1/2025 nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong vào những ngày cuối tháng 12/2024, sát thời điểm lệnh cấm kinh doanh thuốc lá điện tử có hiệu lực, các cửa hàng tại Hà Nội đã có biến động rõ rệt. Nhiều nơi treo biển sang nhượng mặt bằng, thu dọn cửa hàng, thanh lý hàng tồn. Một số cửa hàng đã đóng cửa hoàn toàn; trong khi, không ít chủ kinh doanh tìm cách chuyển đổi sang các ngành nghề khác như bán đồ uống, phụ kiện công nghệ để duy trì thu nhập.
Anh Trần Ngọc Long, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử tại nhiều quận ở Hà Nội đã “bạc tóc” vì phải xử lý số lượng lớn hàng. Anh đã gom tất cả hàng lại, một phần hoàn trả lại cho đầu mối, một phần bán thanh lý với giá rẻ. Anh Long chia sẻ: “Khi nghe tin về dự thảo cấm, tôi rất hoang mang vì không biết sẽ xử lý ra sao với số hàng tồn kho lớn và các khoản chi phí thuê mặt bằng. Tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng, mất nhiều năm, công sức để xây dựng thương hiệu, thu hút khách hàng, giờ lại phải đóng cửa toàn bộ nên rất hoang mang”. Anh Long cho biết, dù việc phải đóng cửa toàn bộ cửa hàng là điều không mong muốn, nhưng anh hiểu và ủng hộ mục tiêu lớn hơn của chính sách. “Tôi nhận thức được thuốc lá điện tử dù mới mẻ và hiện đại, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc Nhà nước quyết định cấm mặt hàng này, tôi tôn trọng và sẵn sàng chấp hành”, anh Long cho hay.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, anh Long đang lên kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh doanh. Anh đang nghiên cứu mở quán cà phê hoặc thử sức với các sản phẩm lành mạnh hơn, vừa phù hợp với xu hướng thị trường vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Đối với anh, đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để bước sang một lĩnh vực mới có sự phát triển bền vững hơn.
Anh Hoàng Anh, chủ một cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ, anh mới bắt đầu kinh doanh mặt hàng này được khoảng nửa năm. Tuy nhiên, tổng chi phí đầu tư, bao gồm như máy pod, vape và tinh dầu các loại đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn phải chịu một khoản tiền thuê mặt bằng đã ký hợp đồng theo năm. Trước thông tin về dự thảo cấm thuốc lá điện tử, anh cũng phải giảm giá và thanh lý hàng tồn kho.
Anh Hoàng Anh cho biết, anh đồng tình với chính sách cấm thuốc lá điện tử nhưng hiện tại chưa xác định được sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh như thế nào. “Trước mắt tôi tạm thời thất nghiệp, vì chưa tìm ra hướng đi mới. Chắc chắn sẽ phải thay đổi, nhưng thời gian tới còn phải xem xét, tính toán lại”, anh nói.
Theo anh Hoành Anh, khi lệnh cấm có hiệu lực, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, nếu không vẫn xảy ra tình trạng buôn bán trái phép. “Thời buổi 4.0, sau lệnh cấm, tôi e nhiều người vẫn sẽ bán thuốc lá điện tử qua các kênh online và thị trường này vẫn tồn tại. Nếu chỉ cấm mà không có giải pháp kiểm soát tận gốc, rất dễ dẫn đến tình trạng kinh doanh, sử dụng ngầm”, anh bày tỏ.
Khảo sát trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy, tình trạng mua bán và quảng cáo thuốc lá điện tử vẫn diễn ra rầm rộ. Trên Facebook, các hội, nhóm và các tài khoản cá nhân công khai đăng tải thông tin về các loại thuốc lá điện tử với nhiều mẫu mã và mức giá, thu hút đông đảo người quan tâm. Nhiều bài đăng đi kèm lời giới thiệu như “Kho sỉ pod vape - giá gốc tận xưởng” hay “Ship pod vape 24h”. Tương tự, TikTok cũng là nơi các video giới thiệu và quảng bá thuốc lá điện tử xuất hiện tràn lan.
Hiện nay, tại Việt Nam thuốc lá điện tử chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành. Các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo cũng không cho phép buôn bán các sản phẩm này.
Thuốc lá điện tử chứa ma túy
Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm thế hệ mới, hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch chứa nicotine hoặc các hương liệu hòa tan trong propylene glycol hoặc glycerin. Trong dung dịch thuốc lá điện tử, ít nhất có 60 hợp chất hóa học, cùng nhiều chất độc hại khác phát sinh trong khói khí mà sản phẩm này tạo ra.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, thuốc lá điện tử có ba nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe: nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Một khảo sát của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đối với 120 bệnh nhân sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy 13,3% mẫu thử dương tính với ma túy. Các chất ma túy được phát hiện trong những mẫu này bao gồm ADB-Butinaca, MDMD-butinaca, ADB-4en-pinaca, MDMB-4en-pinaca, EDMB-4en-pinaca, THC và PB-22.
Theo Bộ Y tế, mặc dù thuốc lá điện tử không chứa nguyên liệu thuốc lá truyền thống, nhưng chúng vẫn gây nghiện do hàm lượng nicotine cao, dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, tim mạch, các vấn đề về hô hấp, tổn thương phổi cấp và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Để kiểm soát vấn đề này, Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Công an cũng yêu cầu các cấp công an điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khởi tố và truy tố các đối tượng vi phạm.
Về xử lý vi phạm, Bộ Y tế đề xuất UBND các tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp và lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế cũng đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính với người hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 1-2 triệu đồng. Bên cạnh đó sẽ có một số biện pháp bắt buộc như cai nghiện thuốc lá điện tử; nếu công chức, viên chức vi phạm gửi thông báo về cơ quan để cơ quan xử lý.
Theo quy định hiện hành, Điều 190 Bộ Luật Hình sự quy định mức phạt từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm. Điều 191 quy định mức phạt từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về xử phạt hành vi sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do thuốc lá điện tử, trong khi năm 2022 và 2023 đã có gần 130 ca nhập viện vì lý do này. Nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cũng dương tính với ma túy. Hiện nay, trên thế giới có 43 quốc gia đã triển khai cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 39 quốc gia cấm hoàn toàn các hoạt động liên quan như buôn bán, quảng cáo, sử dụng, vận chuyển…