Xuất hiện lần đầu năm 1981, Indiana Jones nhanh chóng trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng được yêu thích ở Mỹ, là nguồn cảm hứng cho hàng loạt sản phẩm giải trí ra đời sau đó.
Năm nay, thương hiệu trở lại màn bạc sau 15 vắng bóng với phần 5 mang tên Indiana Jones and the Dial of Destiny (Tựa Việt: Indiana Jones và vòng quay định mệnh). Đây cũng là phần cuối, khép lại hành trình phiêu lưu dài 42 năm của nhà khảo cổ học nổi tiếng nhất thế giới.
Cuộc phiêu lưu ở tuổi xế chiều
Chuyện phim lấy bối cảnh năm 1969, đúng 12 năm sau những sự kiện của phần 4 Kingdom of the Crystal Skull (2008). Thời điểm đó, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ đang dâng cao. Đồng thời, cuộc chạy đua vào không gian cũng bùng nổ với sự kiện tàu Apollo 11 được phóng lên vũ trụ.
Trước tiến bộ vượt bậc của công nghệ, Indiana Jones (Harrison Ford) mong muốn về hưu nhưng bất ngờ gặp lại con gái đỡ đầu Helena (Phoebe Waller-Bridge). Cô kéo ông bước vào cuộc phiêu lưu mới, cùng đi tìm vòng quay có khả năng du hành thời gian của nhà toán học Hy Lạp cổ Archimedes.
Tuy nhiên, hành trình của họ gặp nhiều thử thách khi liên tục bị cản đường bởi kẻ thù năm xưa: Jürgen Voller (Mads Mikkelsen), cựu binh Đức Quốc xã đang âm mưu thay đổi kết cục Thế Chiến II.
Kịch bản phim đơn giản, đi theo mô-típ quen thuộc của thương hiệu. Song, ê-kíp cũng khéo kéo mang đến hình ảnh một Indiana Jones vừa lạ vừa quen ở tuổi xế chiều.
Trong phim, nhân vật chính đã bước sang tuổi 70, không còn là chàng trai tham vọng với nhiều hoài bão. Đổi lại, Indiana Jones trải đời và điềm tĩnh, có nhiều suy tư trước những biến đổi của thời đại. Ông thấy mình lạc hậu với công nghệ, nhưng ngọn lửa đam mê phiêu lưu bên trong vẫn luôn cháy bỏng, không hề lụi tàn.
Từ cuối thập niên 1970, trước khi phần đầu Raiders of the Lost Ark (1981) ra mắt, nhà sản xuất George Lucas và đạo diễn Steven Spielberg từng ấp ủ dự định làm một series dài hơi. Theo bộ đôi, hành trình của nhà khảo cổ học nổi tiếng chỉ chính thức khép lại sau 5 phần phim.
Dẫu vậy, phải đến năm 2016 thì Indiana Jones 5 mới được lên kế hoạch sản xuất. Quá trình bị gián đoạn và thay đổi vì nhiều lý do nên không thể ra rạp đúng dự kiến ban đầu.
Lời chia tay nhuốm màu hoài niệm
Một trong những yếu tố giúp thương hiệu Indiana Jones thành công chính là tài năng của đạo diễn Steven Spielberg – người cầm trịch cả 4 phần trước. Đáng tiếc, lần này ông không tiếp tục ngồi ghế đạo diễn. Theo Variety, nhà làm phim rút lui vì muốn nhường chỗ cho “thế hệ mới”, để họ kể tiếp câu chuyện kinh điển.
Thay thế Spielberg là James Mangold – nổi tiếng với nhiều phim hành động như 3:10 to Yuma (2007), Knight and Day (2010), Logan (2017)… Với kinh nghiệm lâu năm, đạo diễn xử lý tốt các cảnh hành động, liên tục chiêu đãi khán giả bằng những phân đoạn chiến đấu vừa lôi cuốn vừa đẹp mắt.
Ê-kíp tập trung vào phần kỹ xảo và bối cảnh, tái hiện nhiều khung cảnh cổ đại hoành tráng, tăng tính hấp dẫn cho các màn rượt đuổi, đánh đấm.
Để khỏa lấp khoảng cách thời gian, James Mangold lồng ghép nhiều chi tiết tạo nên dấu ấn thương hiệu, giúp người hâm mộ như được sống lại ký ức tuổi thơ. Từ những hang động tăm tối đến các sinh vật nguy hiểm đều toát lên không khí bí ẩn, rùng rợn đậm chất Indiana Jones.
Nhà làm phim chuộng tông màu vàng, phủ lên tác phẩm màu sắc hoài niệm. Đồng thời, ông cũng tái tạo được không khí nước Mỹ thập niên 1960 bằng phần âm nhạc đậm chất Rock and Roll.
Đặc biệt, sự xuất hiện của Harrison Ford rất quan trọng, là linh hồn của cả bộ phim. Ở tuổi 80, tài tử vẫn giữ được phong độ, chứng minh “gừng càng già càng cay”.
Ông thể hiện tốt các màn hành động gay cấn, đồng thời mang lại nhiều cảm xúc ở những cảnh tâm lý. Theo DailyMail, Harrison Ford phải trải qua chế độ tập luyện khắc nghiệt, bao gồm việc đạp xe gần 65 km hàng ngày để lấy lại vóc dáng trước khi trở lại với vai diễn.
Trong một vài cảnh quay, ê-kíp sử dụng công nghệ de-aging (trẻ hóa bằng kỹ xảo) giúp tài tử không khác biệt so với thời 40 năm trước.
Thương hiệu Indiana Jones mất chất
Trước khi công chiếu toàn cầu, Indiana Jones 5 có màn ra mắt tại Liên hoan phim Cannes vào tháng 5 nhưng không tạo được hiệu ứng tốt. Phần lớn ý kiến đánh giá phim thấp, việc Harrison Ford được “trẻ hóa” bằng công nghệ CGI cũng để lại nhiều ý kiến trái chiều.
Tác phẩm chỉ nhận được 66% bình luận tích cực từ giới chuyên môn trên Rotten Tomatoes, đạt 57/100 điểm trên Metacritics. Điều này khiến Indiana Jones 5 trở thành phần có điểm số thấp nhất trong thương hiệu.
Nhiều người hâm mộ cũng cho rằng phim mất chất vì thiếu sự dẫn dắt của Steven Spielberg. Tác phẩm thiên về hành động thuần túy mà không còn giữ được tinh thần phiêu lưu, khám phá.
Kịch bản chưa thành công trong việc xây dựng những câu đố cân não. Phần lớn thử thách đều được các nhân vật giải quyết dễ dàng, ít nhiều làm giảm độ hóc búa lẫn tính hấp dẫn.
Thời lượng 154 phút khiến phim dài, nhưng đạo diễn xử lý nhịp điệu không tốt. Đan xen các phân cảnh rượt đuổi là những đoạn hội thoại thiếu sức hút, tạo cảm giác buồn tẻ. Phần kỹ xảo vẫn còn điểm trừ, không xứng tầm kinh phí lên đến 295 triệu USD.
Về cơ bản, Indiana Jones 5 vẫn chưa thoát khỏi công thức quen thuộc của các bom tấn hành động. Kịch bản không để lại ấn tượng mạnh với một câu chuyện quen thuộc, thiếu sáng tạo.
Dẫu vậy, tác phẩm vẫn thành công trong việc khơi gợi cảm xúc người xem. Bộ phim như một món quà dành cho người hâm mộ, những ai muốn thấy tài tử Harrison Ford vào vai Indiana Jones lần cuối trên màn bạc.