Cái giá của vụ khủng bố 11-9

Vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 đã gây thiệt hại cho nước Mỹ hơn 100 tỉ USD. Nhưng nếu tính cả chi phí cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ thì cái giá của 11-9 có thể lên đến 4.000 tỉ USD

SỰ KIỆN 11-9: MƯỜI NĂM NHÌN LẠI

Cái giá của vụ khủng bố 11-9

Những bức ảnh chưa từng công bố về thảm hoạ 11/9
> Osama bin Laden cảnh báo dân Mỹ qua băng ghi âm

Năm 2004, Osama bin Laden tuyên bố “sẽ làm cho (kinh tế) nước Mỹ chảy máu đến khánh tận”. Nay bin Laden đã chết. Nước Mỹ chưa khánh tận nhưng trở thành con nợ lớn nhất thế giới.

Nợ công của Mỹ từ 6.400 tỉ USD vào năm 2003 nay đã lên đến 14.000 tỉ USD. Trong đó, có phần “đóng góp” lớn của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ tiến hành ở Iraq, Afghanistan và Pakistan, tiếp theo sau sự kiện 11-9. Điều này có lẽ vượt cả sự mong đợi của bin Laden, theo nhận xét của giáo sư Joseph E. Stiglitz, giải thưởng Nobel Kinh tế 2001, nguyên chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của tổng thống Bill Clinton.

Thiệt đơn, thiệt kép

Theo Ủy ban Điều tra vụ tấn công 11-9 của Chính phủ Mỹ, tổ chức Al-Qaeda của Osama bin Laden đã đầu tư khoảng 500.000 USD để chuẩn bị và tiến hành những vụ tấn công khủng bố ở New York và Washington.

Số tiền đầu tư không lớn nhưng nước Mỹ chịu thiệt hại gấp ngàn lần, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà kể cả trong những lĩnh vực xã hội và chính trị.

Những thiệt hại ban đầu tại Mỹ ước tính hơn 100 tỉ USD bao gồm các khoản chính như sau:

Bốn chiếc máy bay bị cướp trị giá 385 triệu USD.

Trị giá tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTO) sụp đổ và công tác dọn dẹp từ 3-4 tỉ USD.

Thiệt hại và sửa chữa một phần của Lầu Năm Góc: 1 tỉ USD.

Tài sản và hạ tầng cơ sở bị thiệt hại: 10 đến 13 tỉ USD.

Quỹ khẩn cấp liên bang bao gồm tiền nâng cấp an ninh sân bay, thành lập lực lượng cảnh sát trên không, trang bị các thiết bị chống khủng bố trên máy bay: 40 tỉ USD.

83.000 người thất nghiệp, thiệt hại 17 tỉ USD.

Thiệt hại của thành phố New York do mất việc, thất thu thuế, hạ tầng cơ sở hư hỏng, dọn dẹp lên đến 21,8 tỉ USD.

Ngành bảo hiểm thiệt hại 40 tỉ USD.

Thất thu doanh số hàng không: 10 tỉ USD.

Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất mà sự kiện 11-9 gây ra không phải là những chi phí kể trên mà do chính sách ứng phó với Al-Qaeda của chính quyền ông Bush. Những chính sách này đã làm đảo lộn những nguyên tắc cơ bản của nhân quyền, phá hoại nền kinh tế và làm an ninh nước Mỹ suy yếu đi.

Vay tiền đánh giặc

Sau sự kiện 11-9, chính quyền ông Bush đã phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đưa nước Mỹ và một phần của thế giới vào một cuộc chiến mà cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu là “tiêu diệt Al-Qaeda và đồng bọn Taliban”.

Cuối năm 2001, Mỹ bắt đầu tấn công Afghanistan vì nước này do Taliban lãnh đạo và chứa chấp Al-Qaeda. Năm 2003, Mỹ xâm chiếm Iraq với lý do tổng thống Saddam Hussein có mối quan hệ với Al-Qaeda và có vũ khí hủy diệt hàng loạt (AMD) đe dọa an ninh nước Mỹ. Sự thật cho thấy ông Hussein không liên quan gì đến Al-Qaeda và cũng không có AMD.

Theo giáo sư Stiglitz, cho dù có thể tha thứ cho ông Bush bày chuyện chiến tranh nói trên, việc chọn lựa nguồn tài chính của ông ấy để tiến hành cuộc chiến là không thể tha thứ. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, chính quyền tổng thống Bush đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố hoàn toàn bằng “tiền vay bạc hỏi”.

Thật vậy, khi ông Bush vào Nhà Trắng đầu năm 2001, ngân sách Mỹ chưa bị thâm thủng, thậm chí còn dư 86 tỉ USD. Sau đó, do chính sách cắt giảm thuế người giàu và tiến hành hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, ngân sách Mỹ bắt đầu rơi vào tình trạng thâm thủng triền miên.

William Hartung, chuyên viên quốc phòng Mỹ, phân tích: “Trong quá khứ, chi phí chiến tranh đồng hành với chính sách tăng thuế và mang lại lợi ích kinh tế. Nhưng khi nó được tiến hành bằng tiền tín dụng trong lúc ngân sách thâm thủng thì lợi bất cập hại”.

Thật vậy, nội chiến nước Mỹ thế kỷ 19 làm hao tốn khoảng 280 triệu USD nhưng nó đã thống nhất nền kinh tế quốc dân và chấm dứt chế độ nô lệ. Trong thế chiến thứ hai Mỹ chi ra 4.400 tỉ USD nhưng nó chấm dứt cuộc đại khủng hoảng tài chính và kích thích tăng trưởng kinh tế, khoa học kỹ thuật (phát minh bom hạt nhân).

Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” kéo dài trên 40 năm, Mỹ tốn gần 19.000 tỉ USD nhưng lợi ích kinh tế và khoa học kỹ thuật cũng rất lớn. Mỹ đi đầu về công nghệ máy tính, vệ tinh nhân tạo và internet.

Lợi ích kinh tế bằng không

Cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda hoàn toàn ngược lại. Theo tờ National Journal, cuộc leo thang quân sự trong 10 năm qua không kích thích kinh tế và khoa học kỹ thuật như trong thập niên 40, 50 và 60. Trái lại, kinh tế Mỹ trì trệ, trải qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Do vay tiền đánh giặc, Mỹ đã phải trả 185 tỉ USD tiền lãi tín dụng trong 10 năm qua và từ đây đến năm 2020 sẽ phải trả tiếp 1.000 tỉ USD.

Một trong những hệ quả bất lợi cho nền kinh tế Mỹ do cuộc chiến chống khủng bố gây ra là an ninh thế giới không ổn định. Lợi ích kinh tế chỉ phát huy khi chiến dịch quân sự mang đến sự ổn định, theo nhận xét của nhà sử học kinh tế Mỹ Joshua Goldstein. Chiến tranh ở Afghanistan và Iraq vẫn chưa chấm dứt, 150.000 quân Mỹ vẫn còn chôn chân tại hai nơi này.

Ngay cả sự hưng phấn của người Mỹ sau cái chết của bin Laden cũng không vẹn toàn. Sau thế chiến thứ hai, Hitler bị tiêu diệt, tinh thần người Mỹ lên cao ngất ngưởng. Bin Laden chết đi, nhiều người Mỹ chỉ thấy bớt đi một nỗi lo chứ không cảm thấy hả hê, tờ National Journal kết luận.

Theo Văn Anh
Người lao động

Theo Tổng hợp