Sáng 7/2, nguồn tin từ UBND xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) cho biết, giá hoa của vùng chuyên canh hoa lay ơn lớn nhất nước này đã tăng từ 300-400 đồng/cành lên 800-1.000 đồng/cành; sản lượng hoa được tiêu thụ cũng tăng dần lên.
Tại TP.Đà Lạt, Chủ tịch Hội Nông dân phường 11 Hoàng Bá Bình cũng cho hay, nhà vườn đã bán được cúc dù sức tiêu thụ vẫn còn chậm. Ở Phường 7, một số nông dân phấn khởi vì chủ vựa thỏa thuận mua cúc lưới và cúc đại đóa với giá từ 1.700- 1.800 đồng/cành, cúc chùm từ 700 - 800 đồng/cành. Cách đây vài ngày, người nhà vườn lo sợ không tiêu thụ được hoa cúc do dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành.
Tuy nhiên, theo ông Bình với các loại hoa khác như lily, cát tường…, nhà nông đầu tư vốn nhiều hơn nhưng sức tiêu thụ chậm nên không khỏi lo lắng. Hiện một số chủ vựa đã đóng hàng nhưng chưa chốt giá; phải chờ đến khi chủ vựa “đẩy” hàng xong, cho giá nào thì cho nông dân nhận giá đó thôi. “Sức tiêu thụ còn yếu nên nhà vườn thất thế. Chủ vựa chịu đóng hàng là may rồi!”, bà Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.
Một số nông hộ ở Thái phiên (Phường 12) cho hay giá hoa cát tường giảm từ một nửa tới 2/3 so với Tết năm trước, hiện chỉ từ 35.000- 60.000 đồng/bó, trong khi Tết năm ngoái từ 90.000-110.000 đồng/bó.
Theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, năm nay, nhà nông thu hoạch hoa Tết đúng vào lúc dịch COVID-19 tái phát khiến thị trường tiêu thụ chững lại, giá giảm mạnh. Trước tình hình đó, Hiệp Hội Hoa cấp tốc có văn bản gởi TP.HCM và Hà Nội, đề nghị cho xe tải chở hoa Đà Lạt vào nội thành và các chợ đầu mối tiêu thụ.
TP.HCM đã chấp thuận đề nghị trên, cho phép các phương tiện chở hoa Đà Lạt vào chợ Đầm Sen và Hồ Thị Kỷ theo hai khung giờ từ 6 - 7 giờ và từ 21 - 22 giờ, kể từ ngày 6 đến 11/2 (25 - 30 Tết). Tương tự, Sở GTVT Hà Nội cũng có văn bản cho phép các xe tải chở hoa Đà Lạt vào nội thành, các chợ đầu mối để thuận tiện trong việc tiêu thụ hoa Tết.
Cũng theo ông Sang, hy vọng thị trường hoa Tết Đà Lạt sẽ chuyển biến tích cực hơn nữa bởi thông thường từ 24 - 28 Tết âm lịch, hoa Tết mới từ xứ lạnh đổ về miền Trung, TP.HCM, Đông và Tây Nam Bộ, những nơi tiêu thụ tới 70-80% sản lượng hoa của Đà Lạt.
Hiệp hội Hoa cũng đã giới thiệu các nhà xe uy tín tại địa phương để người dân chủ động gửi hoa, tránh tập kết về một nơi, sau đó mới vận chuyển đi tiếp dẫn đến tình trạng “dội chợ”. Nhằm chia sẻ khó khăn với người trồng hoa, một số nhà xe như Phương Trang, Minh Phùng, Cty vận tải Việt Nhật Konike… chỉ tăng giá rất ít hoặc không tăng để vận chuyển hoa Đà Lạt đi các tỉnh, thành.