Một thời gian “vắng bóng”, Anh Thơ có ấp ủ dự án nghệ thuật mới nào không?
Tôi vẫn ấp ủ nhiều dự án bởi nghề chính của tôi là làm nghệ thuật. Tôi luôn thôi thúc mình phải làm gì đó, nhất là với những bài hát về quê hương, đất nước. Tôi muốn làm một sản phẩm mới hoàn toàn, đầu tư đĩa hình để không chỉ người trung tuổi, người già mà cả người trẻ vẫn có thể nghe và yêu thích. Thậm chí, người nước ngoài nếu muốn tìm hiểu về âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa Việt Nam vẫn có thể tiếp cận được. Và sau này nếu tôi không thể hát nữa, thì hi vọng mọi người vẫn nhớ tới Anh Thơ.
Như bạn biết đó, khán giả luôn ngại tiếp cận với cái mới nhưng mình vẫn phải thay đổi. Bản thân tôi cũng luôn hướng đến điều mới mẻ trong âm nhạc, nghệ thuật. Ngay cả việc hát một ca khúc đã quá quen, tôi luôn muốn làm mới nó hay thổi vào đó những cảm xúc mới. Nghệ thuật không có đỉnh cao nào cả, thế nên tôi không muốn dừng lại ở đây!
Chị cảm thấy như thế nào khi dòng nhạc dân gian thường lép vế hơn so với dòng nhạc thị trường?
Tôi nghĩ rằng, dòng nhạc nào cũng vậy, ai yêu cứ yêu, ai hát cứ hát. Với dòng nhạc dân gian, chúng tôi là thế hệ đi sau những tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSND Lê Dung… Chúng tôi chỉ làm được một điều duy nhất là tiếp nối và thổi vào nhạc dân gian hơi thở mới hơn một chút. Nếu nói dòng nhạc dân gian lép vế hơn thì nguyên nhân có thể vì chúng ta chưa biết cách đầu tư như dòng nhạc thị trường. Các ca sĩ thị trường cũng có nhiều chiêu trò để thu hút truyền thông hơn.
Có một thực tế là nếu làm một liveshow nhạc truyền thống, dân gian thì ca sĩ sẽ rất khó khăn để giữ chân khán giả trong suốt 15-20 ca khúc. Bởi với dòng nhạc này thì chỉ có giọng hát là quan trọng nhất. Mà nếu chỉ hát không như thế, khán giả sẽ dễ chán. Nhưng làm nhạc thị trường thì khác. Ca sĩ có sự hỗ trợ từ vũ đoàn, từ âm nhạc, mọi thứ màu mè, hào nhoáng hơn thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn.
Đối với riêng tôi, tôi vẫn may mắn được nhiều khán giả nhớ đến và yêu mến. Dù là ở thành thị hay đến những nơi vùng sâu vùng xa, chứng kiến bà con lót lá ngồi nghe khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Thế nên tôi không cảm thấy thua thiệt khi chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian, nhạc truyền thống cách mạng.
Thực tế, nhiều ca sĩ thị trường hiện nay có thể bỏ tiền tỷ, thậm chí chục tỷ để làm liveshow, ra mắt sản phẩm âm nhạc mới nhưng các ca sĩ dòng nhạc dân gian thì có vẻ dè dặt và chưa “bạo chi” như thế?
Đấy là sự đầu tư đấy! Tất nhiên, ca sĩ thị trường thì nhanh giàu, nhanh nổi nhưng có tính thời điểm và thời gian họ sống trong hào quang chỉ khoảng 10-15 năm. Khi sức khỏe kém thì họ không thể gào thét được nữa. Còn với ca sĩ dòng nhạc dân gian, 70 tuổi chúng tôi vẫn có thể hát, thậm chí “gừng càng già càng cay”.
Từng có lời đồn cát-sê của Anh Thơ rất cao. Thực hư thế nào, thưa chị?
Thú thực một vài năm trước, tôi có suy nghĩ phải xứng đáng nhận được một mức cát-sê nhất định. Đó là khi tôi chưa thực sự chín chắn, nghệ sĩ. Sau một thời gian, tôi đã nghĩ lại. Không phải vì người mến mộ ít đi mà tôi nghĩ rằng mình không nên như thế. Chính vì vậy, nhiều nơi không có tiền hay cát-sê ít tôi vẫn hát. Tôi hát vì khán giả yêu quý mình.
Anh Thơ có tiêu chuẩn gì trong việc chọn show không?
Có chứ! Tôi hơi khắt khe trong việc chọn show. Tôi không hát đám cưới, không hát những nơi tiệc tùng. Nói thật, nếu cứ chạy những show như vậy, sức đâu để hát hay, cảm xúc đâu mà hát. Hơn nữa, tôi không thể cầm mic hát trên sân khấu mà khán giả ngồi dưới khua đũa, hô hào hò dô…
Tôi quan niệm rằng bước lên sân khấu là để hoạt động nghệ thuật chứ không vì mục đích kiếm tiền. Nếu coi đó là công cụ kiếm tiền thì bao nhiêu cho đủ. Nếu nhận lời hát đám cưới, tiệc tùng thì tôi đã giàu to rồi. Nhưng tôi từ chối vì tôi muốn giữ cảm xúc.
Tôi thường tham gia các sự kiện, chương trình mang tính chất chính trị, nhà nước. Các ngày lễ, kỉ niệm của đất nước như: 27/7, giải phóng miền Nam…hay các ngày lễ kỉ niệm của các cơ quan, đoàn thể, các cấp chính quyền…
Thời gian này chắc chị tham gia nhiều chương trình kỉ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7?
Có thể nói tôi khá bận rộn. Tôi đã tham gia một số chương trình kỉ niệm, tri ân các anh hùng, thương binh liệt sĩ ở Đồng Lộc, Phú Thọ… Ngày 27/7 tới, tôi góp mặt trong chương trình “Vết chân tròn trên cát” do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam tổ chức và NSND Trần Bình đạo diễn.
Chương trình 'Vết chân tròn trên cát' với sự tham gia của các ca sĩ Thanh Lam, Trọng Tấn, Anh Thơ...
Mỗi lần tham gia chương trình kỉ niệm ngày 27/7 tôi đều rất xúc động. Tôi tâm niệm rằng mình được sống trong hòa bình, có nhà, có xe, có cuộc sống đủ đầy thì mình cần làm gì để báo đáp sự hi sinh của những người nằm xuống và cả những người trở về từ chiến tranh. Thế nên, cứ mỗi khi cất tiếng hát là một cảm xúc trào dâng rất khó tả, vừa biết ơn, vừa thiêng liêng, cao cả.
Trong chương trình “Vết chân tròn trên cát” tới đây, tôi sẽ thể hiện hai ca khúc: “Mùa hoa cải” và “Cô gái vót chông”. Với “Mùa hoa cải” thì đây là lời tự sự những câu chuyện từ chiến tranh. Tôi có thể làm mới bài hát này một chút. Còn “Cô gái vót chông” sẽ là một ca khúc để khoe kĩ thuật cùng tiết tấu nhanh.
Những chương trình nghệ thuật cách mạng thường khó khăn trong việc bán vé, chị có những yêu cầu như thế nào về cát-xê khi tham gia chương trình ‘Vết chân tròn trên cát’?
Tôi không quá quan trọng điều này. Tôi đã có dịp làm việc với NSND Trần Bình từ khi là sinh viên những năm 1997, 1998. Trong suốt quãng thời gian đó đến nay thì tôi có thể nói NSND Trần Bình là người kiên cường. Bởi việc tổ chức các chương trình ca nhạc không phải dễ, nhất là với dòng nhạc dân gian và nhạc cách mạng, truyền thống. Khó từ việc lên kế hoạch tới khâu bán vé. Thế nên, anh ấy làm được như thế này là quá giỏi rồi.