Năm 2016, các lực lượng chức năng toàn quốc phát hiện, xử lý 172.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, truy thu 13.000 tỷ đồng cho ngân sách. Qua thực tiễn đấu tranh, trên tuyến biên giới đường bộ, hàng nhập lậu chủ yếu là đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, vải, quần áo may sẵn, phụ tùng ôtô, điện thoại di động, đồ chơi kích động bạo lực, gia cầm, thuốc bảo vệ thực vật…có xuất xứ từ Trung Quốc.
Tình hình buôn lậu thuốc lá diễn ra phức tạp trên cả ba tuyến biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng thường lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, thuê người mang vác chuyển thuốc lá qua biên giới, sau đó, sử dụng các loại phương tiện để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Đáng chú ý, các đối tượng sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ, thậm chí huy động đồng bọn sử dụng hung khí nguy hiểm tổ chức cướp thuốc lá đã bị tịch thu. Năm 2016, đã phát hiện, bắt giữ hơn 2.000 vụ, thu giữ hơn năm triệu bao thuốc lá, đã khởi tố 111 vụ với 186 đối tượng.
Còn trên tuyến biển, cảng sông quốc tế, hàng nhập lậu gồm các loại hàng tiêu dùng, xăng, dầu, ngà voi, vẩy tê tê, phụ tùng ô tô cũ…Đối tượng buôn lậu trên đường thủy thường lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu; cố tình không khai báo hoặc khai sai tên hàng, số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa, mã số thuế, xuất xứ. Thậm chí còn sửa chữa, giả mạo hồ sơ chứng từ, giả mạo con dấu, chữ ký của công chức hải quan để trốn thuế, nhập lậu hàng cấm.
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đề nghị các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương thực hiện quyết liệt ngay các chủ trương, giải pháp gắn với triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; xây dựng các phương án ứng phó, xử lý kịp thời với các tình huống có thể phát sinh đột xuất, có nguy cơ ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.