Bùng phát kích sóng gây gián đoạn 3G

TP - Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, thời gian qua bùng phát hiện tượng người dân sử dụng thiết bị kích sóng di động, gây can nhiễu vô tuyến điện khiến tỷ lệ rớt cuộc gọi di động tăng cao bất thường, suy giảm tốc độ kết nối, làm gián đoạn kết nối mạng 3G ở nhiều nơi.
Thiết bị kích sóng không đạt chuẩn của một hộ gia đình ở Hà Nội bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tịch thu ngày 7/7.

Chất lượng mạng di động không đạt chuẩn

Tại cuộc họp với đại diện nhà mạng sáng qua (9/7), Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I (gọi tắt là Trung tâm I) cho biết, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay đơn vị này nhận được 59 công văn kháng nghị nhiễu và 24 điểm thông báo nhiễu về thông tin di động, trong đó HTC một vụ, Vinaphone một vụ, Mobifone bảy vụ, Viettel 50 vụ và 24 điểm thông báo nhiễu.

Qua đo kiểm, khảo sát, nguyên nhân chủ yếu do người dân, tổ chức sử dụng thiết bị kích sóng di động. Điều này làm tăng tỷ lệ rớt cuộc gọi, gián đoạn 3G ở nhiều khu vực bị nhiễu sóng như khu vực hồ Hoàn Kiếm, bán đảo Linh Đàm, Trung Hòa (Cầu Giấy), ngõ Thổ Quan 1 Tôn Đức Thắng, ngã tư Hoàng Cầu- La Thành và nhiều khu vực khác.

Theo Trung tâm I, các thiết bị kích sóng mà cá nhân, tổ chức thường sử dụng gây can nhiễu là loại thiết bị băng rộng, phổ tín hiệu có dải tần từ 880Mhz đến 925Mhz. Cường độ tín hiệu mạnh, gây can nhiễu đến băng tần của cả 3 nhà mạng. Việc người dân tự ý lắp đặt, sử dụng các bộ kích sóng thông tin di động nói trên là trái với quy định về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, vì sử dụng băng tần số đã được cấp phép cho các doanh nghiệp di động.

Tuy nhiên, lý do khiến người dân phải sử dụng thiết bị này liên quan đến chất lượng phủ sóng của nhà mạng. Sóng di động của các nhà mạng (tại khu vực các hộ cá nhân và đơn vị lắp đặt thiết bị kích sóng di động) thường rất yếu, mạng chập chờn khó thực hiện cuộc gọi. Khách hàng khó liên hệ được với nhà mạng để phản ánh chất lượng mạng.

Trong quá trình đi xử lý các thiết bị kích sóng Trung tâm I đã đo khảo sát mức tín hiệu trong băng tần DownLink của các nhà mạng tại những nơi có lắp thiết bị kích sóng thì thấy, phần lớn các điểm đo không đạt yêu cầu theo quy chuẩn là -100dBm (QCVN36:2011/BTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất).

Đoàn thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng thiết bị kích sóng không đúng quy định ngày 7/7 ở Hà Nội.

Tự tiện kích sóng, phạt tới 30 triệu đồng

Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I cho biết, sau khi đo xác định được hộ cá nhân và đơn vị sử dụng thiết bị kích sóng thông tin di động, đơn vị này đã yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân phải ngừng sử dụng. Biện pháp này khắc phục can nhiễu nhanh nhưng chưa thực sự hiệu quả, có những hộ cá nhân và đơn vị ngừng sử dụng một thời gian sau lại sử dụng trở lại, hiện tượng can nhiễu lại xảy ra. Có những đơn vị sử dụng lại nhiều lần như Khách sạn SOHO.

Vì vậy, theo Cục Tần số vô tuyến điện, thời gian tới có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính với hành vi trên, mức xử phạt cao nhất có thể tới 30 triệu đồng kèm tịch thu tang vật. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề là phải nâng cao chất lượng phủ sóng di động.

Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng, các nhà mạng cần có biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng sóng như triển khai thêm trạm BTS, các tòa nhà cao tầng cần triển khai phủ sóng Inbuilding trong tòa nhà, lắp thiết bị kích sóng đạt chuẩn của các nhà mạng khi người dân và các đơn vị có nhu cầu.

Với người dân, tổ chức, trong trường hợp sóng di động yếu, đề nghị phản ánh đến các doanh nghiệp thông tin di động để có giải pháp nâng cao chất lượng sóng di động trong khu vực, hoặc chuyển sang dùng mạng di động khác có chất lượng sóng tốt hơn.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện, thời gian tới có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính với hành vi trên, mức xử phạt cao nhất có thể tới 30 triệu đồng kèm tịch thu tang vật.