Bủa lưới bắt sát thủ vùng biên

"Nạn nhân chết, tung tích mịt mờ, những tên sát thủ không để lại bất kỳ dấu vết nào... đó là những vụ án khó tựa mò kim đáy bể, mỗi một chiến công đều gắn với hành trình gian khổ của anh em”, Đội trưởng Đội Trọng án của PC 14 (Quảng Ninh), đại úy Hoàng Văn Định bày tỏ.
Sát thủ Nguyễn Văn Quân thực nghiệm lại vụ giết người tại cảng Làng Khánh, Quảng Ninh .

Hiểm nguy trên đường phá án

Thường xuyên đối mặt với nguy hiểm là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với bất kỳ CSHS nào, nhưng khi nhắc đến vụ “thảm sát” 6 mạng người tại cảng Làng Khánh (Quảng Ninh), vị Đội trưởng Đội Trọng án Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14, Công an Quảng Ninh) vẫn chưa hết rùng mình.

Đây là vụ án cơ quan điều tra chịu áp lực rất lớn từ dư luận. Các đối tượng sau khi gây án đều bỏ trốn nên việc truy tìm cực kỳ khó khăn. 3 đối tượng chính Phan Huy Nam (tức Nam “bang”), Nguyễn Văn Quân và Đặng Thế Sơn đều trốn vào Nam nhằm thoát lưới pháp luật.

Qua nhiều chuyến lặn lội từ Bắc vào Nam, các điều tra viên mới bắt được đối tượng. Khi vừa bắt Quân ở Di Linh, Lâm Đồng di lý về Quảng Ninh, các trinh sát lại nhận nguồn tin báo Sơn và Nam cũng lẩn trốn trong vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Đội trọng án lại phải vào Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương, Bình Phước để lần theo dấu vết truy tìm manh mối nhóm sát thủ. Tuy nhiên, khi cảnh sát đến Bình Phước thì đột nhiên dấu vết của hai tên sát thủ biến mất hoàn toàn.

Các điều tra viên nhận định nhiều khả năng chúng đã bỏ trốn sang Campuchia nên đành rải ảnh 2 đối tượng ở các khu vực huyện Bến Cát và quay ra Bắc.

Một tuần sau, một chủ xưởng gỗ báo cho Công an huyện Bến Cát, Bình Dương tin cực kỳ quan trọng: Tại xưởng gỗ nhà ông có hai người đàn ông xin vào bốc gỗ thuê, ông kiểm tra hành lý thì thấy có một... quả mìn.

23 Tết, Phó trưởng phòng PC14 Quảng Ninh Thái Hồng Công cùng với đội phó đội trọng án vội vã vào Bình Dương.

Kế hoạch bắt hai sát thủ được vạch ra. Để tránh các đối tượng manh động làm liều, các điều tra viên tạo tình huống cho chủ xưởng gỗ lên rẫy chở gỗ về và hai đối tượng phải đi theo ông chủ. Trinh sát vào vai lái xe gỗ. Khi xe gỗ bị CSGT chặn lại, một tổ CSHS ập tới bắt gọn Nam và Sơn.

Có vụ án CSHS phải đối mặt những đối tượng hết sức hung hãn, manh động. Cao điểm nhất là vụ án ba mẹ con bị giết ở Vân Đồn vào ngày 11/8/2006.

Các trưởng, phó phòng của PC14 - Quảng Ninh đều vào cuộc trực tiếp chỉ huy, đối tượng nghi vấn rất nhiều, tuy nhiên trọng điểm nghi ngờ là Bùi Đức Lợi, SN 1979 (Đông Triều, Quảng Ninh).

“Đây là một đối tượng rất nguy hiểm. Khi anh em mời Lợi về trụ sở Công an thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Lợi đã làm loạn, đập phá trụ sở”, đại úy Định nói.

Sau này, qua một vụ giết người, cướp của, công an bắt Lợi tại hiện trường, hắn mới bị sa lưới và chịu nhận tội giết chết ba mẹ con ở Vân Đồn.

“Có nhiều vụ lắm khi chúng tôi lâm vào bế tắc, đã nghĩ ra các phương án để triển khai nhưng hướng nào cũng rơi vào ngõ cụt, thậm chí không có hướng đi tiếp theo. Đến nay, vẫn còn những vụ chưa tìm được lời giải, đó là băn khoăn, trăn trở của mỗi anh em”, đại úy Định chia sẻ.

Khẩu súng Nguyễn Văn Quân gây án .

Mò kim đáy bể

Với CSHS, khó khăn không chỉ đến từ hiểm nguy đối mặt với súng đạn mà điều gian nan nhất là hành trình tìm chứng cứ chẳng khác nào mò kim đáy bể.

Đó là một vụ giết người cướp tài sản xảy ra ngày 30/8/2008. Xác một người đàn ông được phát hiện tại đảo Hòn An ngoài (xã Tân Bình, Đầm Hà, Quảng Ninh) trong trạng thái lõa thể, hai tay bị trói giật đằng sau bằng sợi dây nylon cứng, quấn 3 vòng quanh cổ tay.

Xác nạn nhân đã phân hủy, thối rữa, mặt mũi và dấu vân tay không còn nhận dạng được. Các điều tra viên nhận định đây là một vụ giết người, nhưng việc xác định danh tính nạn nhân rất mờ mịt.

Gần 2 tuần lần mò thăm hỏi các xã ven biển và ngư dân quanh vùng, tung tích nạn nhân vẫn bặt tăm. Phải đến ngày 13/9/2008, một người dân ở Móng Cái đến trình báo có con bị mất tích cùng với một tàu cá của gia đình.

Sau đó qua xét nghiệm xương hàm nạn nhân, xác định đúng là con của gia đình kia, tên là Nguyễn Văn Phong, SN 1991, trú xã Hải Xuân, Móng Cái, Quảng Ninh. Tuy nhiên, tình tiết duy nhất của vụ án được gia đình cung cấp là trước đó Phong đi cùng với một người tên Hải, quê Thái Bình.

Cuộc truy tìm người có tên Hải chẳng khác tìm cánh chim trời. Sau nhiều ngày lặn lội ở Thái Bình, các trinh sát xác định một người tên Hải có biểu hiện giống người cần tìm nhưng đã bỏ nhà theo người tình biệt xứ.

Đại tá Nhâm Ngọc Tám, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết:

“Hiện nay công tác điều tra, phá án ngày càng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm do các tội phạm về hình sự liên quan đến việc sử dụng, tàng trữ các loại súng tự chế, súng bắn đạn ghém... có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Hành vi phạm tội của các đối tượng cũng ngày càng manh động, liều lĩnh bất chấp hậu quả, thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật và sức khỏe tính mạng của con người”.

Lần lại các mối quan hệ trong những ngày Hải sống ở Móng Cái, trinh sát phát hiện Hải từng mượn điện thoại của một người ở đây. Không thể bắt Hải về hành vi giết người, các trinh sát đã vận động người cho Hải mượn điện thoại làm đơn trình báo về việc mất điện thoại. Từ đó, cơ quan công an khởi tố Hải với hành vi chiếm đoạt tài sản.

Một tin báo cho biết Hải đã bỏ trốn vào Nam. PC 14 lập tức cử một tổ công tác lần theo dấu tích truy tìm.

Sau một tháng rưỡi tìm tòi ở các tỉnh phía Nam, các điều tra viên phát hiện có một đối tượng tên Hải thường xuyên xuất hiện ở khu vực đình Nghi Xuân, Q.Tân Bình, TP.HCM. Nhưng khi tìm đến nơi Hải đã mất tăm. Vụ án như vừa mở được nút giờ lại chìm vào bế tắc.

Sau hơn 3 tháng rong ruổi khắp từ địa đầu Tổ quốc đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ngày 5/12/2008, tổ công tác lại nhận được tin báo tại xã Vân Khánh Tây, huyện U Minh, Cà Mau xuất hiện một đôi tình nhân người Bắc đến làm thuê cho một tàu đánh cá được 20 ngày.

Xác minh nhanh thì đôi tình nhân trên chính là đối tượng đang truy tìm, tức Nguyễn Văn Hải, SN 1980, trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Khi tra tay vào còng Hải đã cúi đầu thú nhận mình chính là hung thủ giết anh Nguyễn Văn Phong để cướp tàu và mang vào Nghệ An bán.

Đông Bắc
Theo Thanh niên