Bóng đá Việt và những đề xuất tào lao
> 'V-League sẽ thành giải giao hữu'
> Công trình thể thao biến thái
Trong cuộc họp hôm 8-12, phía VPF đã đưa ra những ý tưởng để tổ chức mùa giải 2013 mà không khó để người ta phát hiện ra rằng, nó mang ý định “giải cứu” uy tín cho VFF sau thất bại ở AFF Cup 2012.
Trong cuộc họp hôm 8-12, phía VPF đã đưa ra những ý tưởng để tổ chức mùa giải 2013 mà không khó để người ta phát hiện ra rằng, nó mang ý định “giải cứu” uy tín cho VFF sau thất bại ở AFF Cup 2012. Theo đó, V-League 2013 sẽ không có đội bóng phải xuống hạng, đội U22 chuẩn bị cho SEA Games 2013 tại Myanmar sẽ được thành lập và mặc nhiên có suất tham dự V-League.
Ý tưởng ấy lại một lần nữa xuất phát tương tự như việc VFF đã học Malaysia dùng huấn luyện viên nội, và tất nhiên việc sao chép có cải tiến của cả VFF lẫn VPF đều có một điểm chung: chỉ nặng phần hình thức.
Việc đề xuất của VPF được cho là nhằm giúp VFF có một đội tuyển U23 tham dự SEA Games năm sau chất lượng hơn, có kinh nghiệm trận mạc hơn để tránh việc thua muối mặt. Nhưng với đề xuất này nếu được thông qua cũng trong tháng 12 này, VPF và VFF đã góp phần phá nát bóng đá Việt. Nó cũng là bằng chứng cho thấy VPF bỏ quên tiêu chí hình thành của mình, điều hành tốt giải bóng đá quốc nội chứ không phải can dự vào việc thành lập, điều hành đội tuyển của VFF.
Cả hai ý tưởng trên đều nguy hại bởi. Thứ nhất, việc nhìn sang Malaysia và Singapore đang có các đội trẻ tham dự giải quốc nội đã không đúng bản chất sự việc. Ví dụ, đội Young Lion của Singapore là tập hợp các cầu thủ trẻ được chính liên đoàn nước này đào tạo và tuyển chọn. Nó tương tự như trung tâm đào tạo trẻ mà VFF cũng có nhưng sau khi nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, giờ chẳng biết hoạt động ra sao. Họ coi việc cho các cầu thủ trẻ chưa được các câu lạc bộ ngó tới tham dự giải để rèn luyện kỹ năng, sàng lọc và cả giới thiệu tìm việc. Đội tuyển của họ vẫn là các cầu thủ tập hợp từ câu lạc bộ đấy thôi. Trong khi đó đội U22 Việt Nam của VFF được thành lập dựa vào việc thu gom cầu thủ mà các câu lạc bộ đào tạo, thậm chí là bỏ tiền để mua.
Ngay sau khi ý tưởng vừa hình thành, các đội bóng đã phản ứng quyết liệt bởi làm gì có chuyện họ bỏ tiền mua quân rồi “cúng” cho VFF suốt một năm trời, để nhìn các cầu thủ này sút tung lưới đội mình. Đó là chưa kể các hệ luỵ như ân tình khi đối đầu hoặc tiền lương, chấn thương của các cầu thủ ai sẽ phải gánh chịu.
Và vì khi các đội khác phải chật vật để tham dự cuộc chơi có lên hạng, xuống hạng, giờ bỗng dưng có một đội được đặc cách nên VPF đã đề xuất, mùa giải năm nay không có xuống hạng, chỉ có cạnh tranh chức vô địch.
Ý tưởng đã gặp phản ứng dữ dội từ cả cầu thủ lẫn các ông bầu. Bầu Đệ của Thanh Hoá tuyên bố: “Đá thế đá làm gì, hạng 5 cũng như hạng 12, nghỉ luôn cho khoẻ”. Quả thật, hệ luỵ của chuyện đá không xuống hạng còn kinh khủng hơn việc cho phép U22 thi đấu tại V-League.
Nó sẽ bóp chết thị trường chuyển nhượng cầu thủ vốn đang “hấp hối”. Không sợ xuống hạng, việc gì các đội bóng hạng trung phải bỏ tiền mua cầu thủ tốt, họ chỉ cần dùng các cầu thủ U19 thi đấu cũng được. Và các tuyển thủ quốc gia như Công Vinh chỉ còn cách nghỉ hưu sớm vì chẳng ai chấp nhận trả lương cao, chuyển nhượng làm gì cho mất công. Thêm vào đó, việc không xuống hạng có thể sẽ dẫn tới tình trạng “thua mà có lời” xuất hiện, bóng đá Việt vốn bị bao vây bởi những nghi ngờ về tiêu cực sẽ còn thê thảm hơn.
Điều quan trọng nhất, khi giải đấu không còn giá trị, khán giả sẽ không cần đến sân, bóng đá không có khán giả thì tồn tại làm gì?
Để giải cứu uy tín cho VFF, VPF đã nghĩ ra một đề xuất phá nát nền bóng đá Việt, vậy thì đủ hiểu trình độ điều hành của VFF lẫn “con” là VPF đến đâu rồi.
Theo Tất Đạt
Sài Gòn Tiếp Thị