Bóng đá và minh bạch

TP - Công chúng hôm qua được dịp xôn xao với bản báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF): Phần chi phí cho BTC giải lên tới trên 33 tỷ đồng trong 3 năm, cao hơn cả tiền giải thưởng.
Nguyên Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng nhanh chóng lên tiếng giải thích những thông tin gây hiểu lầm về sử dụng tài chính của công ty. Ảnh: VSI.

Tuy nhiên, qua xem xét kỹ, thì khoản chi phí trên (tính mỗi năm vào khoảng hơn 10 tỷ đồng), chủ yếu dành chi cho công tác trọng tài, giám sát, thành viên Ban kỷ luật.

Cụ thể, mức chi của VPF hiện nay cho 1 trọng tài chính ở V-League là 8 triệu đồng/trận, 6 triệu đồng cho trợ lý (2 người), giám sát trọng tài và giám sát trận đấu. Bên cạnh đó còn gồm tiền di chuyển, lưu trú cho các trọng tài, tiền ăn khoảng 4-5 ngày trước mỗi trận đấu. Mỗi tháng, tiền làm nhiệm vụ cho Trưởng ban Trọng tài của VPF là 25 triệu đồng và Trưởng ban Kỷ luật 15 triệu đồng. Cộng cả các khoản cũng đã tròm trèm chục tỷ đồng, tuỳ mỗi mùa giải. Theo nguyên Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, tất cả các khoản thu, chi của TGĐ đều thông qua quy chế hoạt động và được HĐQT phê duyệt. Hoạt động của VPF hàng năm về tài chính cũng có sự kiểm toán của KPMG, một trong những đơn vị kiểm toán hàng đầu thế giới.

Một thành viên cấp cao VPF chia sẻ, thông tin không chính xác về chi tiêu của VPF trong nhiệm kỳ vừa qua đã ảnh hưởng tới hình ảnh công ty, gián tiếp tác động xấu tới quá trình đàm phán, tìm kiếm nguồn tài trợ cho mùa giải mới. “Doanh nghiệp tài trợ trước đây người ta có thể nghi ngờ chi tiêu của VPF không minh bạch, trong khi đó việc đàm phán tìm nhà tài trợ mới cũng sẽ khó khăn. Chúng tôi nghĩ rằng đây là sự cố rất đáng tiếc, có thể xuất phát do sự hiểu lầm về mặt thông tin, con số trong báo cáo”-quan chức VPF trên cho biết.

Ở đây 2 vấn đề có thể nhìn thấy. Đầu tiên, VPF đã có phản ứng khá nhanh để giải quyết cuộc khủng hoảng vừa xảy ra. Những thông tin phản hồi với đầy đủ cứ liệu cụ thể giúp VPF và cả V-League được “giải oan”, trong bối cảnh bóng đá mất niềm tin với công chúng.

Hai là, quan trọng hơn, VPF có thể tự giải thích cho mình nhờ là mô hình công ty cổ phần, các hoạt động chi tiêu luôn phải minh bạch trước HĐQT và cổ đông, chịu sự giám sát chặt chẽ từ các thành viên. Năm 2011, VPF được thành lập do khởi xướng từ ông bầu Nguyễn Đức Kiên, với chức năng điều hành, tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trong đó có V-League. Từ đó đến nay, hoạt động tổ chức giải dù vẫn còn tồn tại nhưng ở nhiều khía cạnh, đã có sự khác biệt rõ rệt, mà đầu tiên chính là tính công khai, minh bạch của nhiều hoạt động cơ bản, thay vì “khép kín” như dưới thời BTC giải của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Dĩ nhiên, để nói tất cả các hoạt động của VPF đã hợp lý, công khai rõ ràng hay chưa thì chưa thể đoán chắc. Ví như việc tổ chức tập huấn trọng tài trước mỗi mùa giải, làm chế độ cho anh em vẫn có những lời ì xèo.

Trước đây, hoạt động tổ chức giải của VFF luôn là vùng tối với công chúng thì nay khi trong tay VPF, cái gì cũng có thể phải trưng ra công chúng. Điều lệ VPF cho phép mỗi thành viên sở hữu cổ phần đều là ông chủ công ty, được quyền yêu cầu Ban giám đốc báo cáo, giải trình những công việc, các khoản chi cụ thể. Đây là sức ép buộc VPF phải minh bạch các khoản chi tiêu trong quá trình tổ chức giải đấu. HĐQT VPF hiện nay cũng gồm nhiều đại diện đến từ các CLB, đảm bảo các đội bóng có tiếng nói tác động công tác tổ chức, điều hành giải. Vấn đề chỉ còn là, các cổ đông VPF có thực sự nắm và hiểu được quyền của mình trong công ty, qua đó cụ thể hoá quyền làm chủ. Chuyện này không đơn giản bởi đại diện các đội bóng ở VPF hầu hết đều là những người làm bóng đá, không phải ai cũng nắm được hết luật về doanh nghiệp.

Bóng đá lâu nay một phần không phát triển được, cũng bởi mọi hoạt động đều “u u, minh minh” không rõ ràng. Việc thành lập VPF, vì vậy có thể khẳng định lại, là một sự tiến bộ.