Theo đó, “yếu tố được hài lòng nhiều nhất là thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế (4,13/5) trong khi chi phí khám chữa bệnh là yếu tố có mức độ hài lòng thấp nhất (3,78/5). Gần một nửa người bệnh và gia đình được phỏng vấn cảm nhận mức độ chi trả thêm bằng tiền túi là ít (45%) trong khi 59% cho biết không phải trả thêm từ tiền túi do được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ”- Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết.
Ngoài ra, theo khảo sát này, có 9,5% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có chi phí ngoài cho nhân viên y tế, nhưng có tới 84,5% ý kiến cho rằng việc "cảm ơn" bác sĩ là thể hiện sự biết ơn chứ không phải để mong muốn có dịch vụ tốt hơn.
Khảo sát được thực hiện với trên 7.500 người bệnh và người nhà bệnh nhân sau khi xuất viện ở 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành trên cả nước năm 2018. Đây là năm thứ 2 khảo sát được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ di động, điện toán đám mây cho phép thu thập, phân tích dữ liệu.
Phương pháp và kết quả nghiên cứu chỉ số hài lòng người bệnh được thảo luận và hoàn thiện dựa trên nhiều cuộc tham vấn sâu rộng với các chuyên gia của Bộ Y tế, lãnh đạo và cán bộ phòng quản lý chất lượng các bệnh viện, tham vấn người bệnh và người nhà bệnh nhân.
"Trong số 60 bệnh viện khảo sát, có 13 bệnh viện được người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng rất tốt, chiếm 21,7% số bệnh viện được khảo sát, 26 bệnh viện người bệnh hài lòng và được xếp hạng tốt, chiếm 43,3%, còn lại 21 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, chiếm 35%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2018 số bệnh viện được mở rộng khảo sát nhiều hơn hai lần so với năm 2017"- PGS. T Lương Ngọc Khuê nói.