Canh chua thơm ngon chuẩn vị
“Phù thủy ẩm thực” Luke Nguyễn - đầu bếp Úc gốc Việt trứ danh từng chia sẻ nếu lựa chọn một món ăn đại diện cho ẩm thực Việt Nam, anh sẽ chọn canh chua (1). Món canh chua gói gọn trong mình đủ vị chua-cay-mặn-ngọt, gói trọn hương vị tinh hoa của nền ẩm thực Việt. Món canh chua giúp bổ sung nước, cân bằng thanh nhiệt nhưng lại rất hợp vị, đưa cơm. Canh chua có mặt trên mâm cơm khắp ba miền Bắc – Trung – Nam với những nét đặc trưng riêng như miền Bắc dùng sấu, giấm bỗng, mẻ; miền Trung dùng khế, quả tai chua, thơm (dứa), cà chua; miền Nam dùng chanh, me, chùm ruột hay lá me, lá giấm… Dù sử dụng nguyên liệu nào để tạo vị chua nhưng để làm món canh chua ngon, đậm vị Việt thì ở miền nào cũng không thể thiếu nước chấm.
Để làm nên một bát canh chua cá lóc ngon chuẩn vị, đầu tiên, cá lóc cần được rửa sạch, cắt khoanh, ướp với nước chấm để giúp các gia vị thơm ngon thấm đượm trong từng thớ cá để khi nấu, bản thân thịt cá đã đậm đà. Cá sau khi ướp được ninh với nước me, trái thơm (dứa), cà chua. Khi cá vừa chín tới, ta cho thêm đậu bắp, giá đậu, dọc mùng (bạc hà), rau thơm, tiêu, ớt. Cuối cùng, bí quyết nêm nếm thêm 1 thìa nước chấm cá cơm là chúng ta đã hoàn thành món canh chua cá lóc chua cay thanh mát, đậm đà hương vị Việt.
Nức mũi thịt kho
Trong cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ (Master Chef) mùa thứ ba, khán giả không chỉ ngưỡng mộ tài năng và sự kiên cường của cô đầu bếp mù Christine Hà mà còn có cảm giác thân thương khi món kho truyền thống Việt Nam đã chinh phục được cả 3 vị đầu bếp nổi tiếng khó tính của Mỹ. Quán quân Christine Hà chia sẻ: “Em lớn lên với món thịt kho. Mỗi lần được ăn hoặc nấu món thịt kho, em dường như được nhắc nhớ về gia đình. Em thật sự thích món ăn đơn giản này. Nó chỉ cần vài nguyên liệu đơn giản, nhưng hương vị, chất lượng món ăn lại rất ngon, tuyệt vời một cách hoàn hảo” (2)
Món ăn hoàn hảo ấy khi nấu tưởng chừng như đơn giản nhưng để tạo được vị ngon đặc biệt và hậu vị đọng lại thì lại cần có những bí quyết riêng, trong cả cách ướp và cách nấu chỉ bằng 1 chai nước chấm. Những miếng thịt được tẩm ướp đậm đà đun 1 tiếng trong lửa nhỏ, thêm chút nước dừa và nước màu sẽ vừa ngọt vị dừa, thơm vị nước mắm, miếng mỡ trong veo và màu nâu vàng hấp dẫn. Chỉ cần một chút nước thịt kho rưới trên xôi trắng, ăn kèm miếng thịt vừa ngậy vừa đậm đà, ta sẽ có bữa ăn thơm ngon nức mũi, hậu vị đọng lại mãi.
Thơm dịu món chấm
“Umami”- Vị cơ bản thứ năm trong ẩm thực vẫn thường được người Việt quen gọi là là “vị ngon” hay “vị ngọt thịt” để tránh nhầm lẫn với đường. Thực tế, vị “umami” có thể bắt gặp ở cà chua, bắp ngô, phô mai hay bột ngọt, thế nhưng, vị ngon ngọt “umami” từ thịt vẫn luôn được ưa thích nhất. Vị ngọt thịt “umami” thường được cảm nhận trọn vẹn qua món thịt luộc vừa dân dã, vừa thân quen. Nhưng để vị ngon từ thịt thêm đưa cơm thì luôn cần 1 bí quyết, đó là nước chấm.
Có thể thấy rằng, trong bữa ăn của người Việt, nếu được kết hợp khéo léo, nước chấm có thể tạo nên hương vị Việt đặc trưng, là linh hồn của món ăn và trở thành “quốc hồn, quốc túy” của ẩm thực Việt. Nước chấm có thể được dùng cho vô vàn món ăn khác nhau, với nhiều công thức khác nhau nhưng luôn tạo nên dư vị đặc biệt và làm món ăn trở nên chuẩn vị, đậm đà hương vị Việt.
Cơm gạo là tinh hoa của đất trời, nước chấm cá cơm là “giọt sương của cá", là tinh hoa của biển cả. Ở mảnh đất hình chữ S xinh đẹp này, nước chấm không chỉ là gia vị mà còn là nguyên liệu, là dược liệu và là sợi dây gắn kết bữa cơm gia đình. “Ngon và tiện” là điểm nhấn khiến nước chấm trở thành gia vị không thể thiếu, và cũng là thông điệp tạo nên sức hấp dẫn của Nước chấm cá cơm “3 Miền”.