Méo mặt vì cỗ ế
Mình là con gái út trong nhà có đến 3 chị em gái. Vì là út ít nên được cưng được chiều là điều hẳn nhiên. Chuẩn bị đám cưới, bố đã phán “100 mâm, không ít hơn!”. Họ hàng người thân có góp ý thì ông nói rằng: “Đặt thế cho thoải mái, bạn bè nó nhiều, khách gia đình cũng nhiều, thừa còn hơn thiếu”.
Vậy nên mới có cảnh cả nhà ngồi nhìn một loạt cỗ ế mà thở ngắn, than dài. Lý do thì có trăm ngàn, bởi ngày lành tháng tốt nên nhiều người tổ chức, quan khách phải tranh thủ “chạy sô” đám cưới, một bữa ăn mấy đám. Số khách đến không ít nhưng không đông như trong dự trù. Biết làm gì với số cỗ thừa này đây? Nhà hàng không nhận lại là chắc, tiền vẫn phải thanh toán đủ, mà ăn thì làm sao xuể với mấy chục mâm cỗ? Tính đi tính lại không còn cách nào khác, đành phải bổ đầu người trong họ ra mà chia nhau đem về. Tiền của bỏ ra không ít, thật là phí hoài! Xót ruột đấy, nhưng lỡ rồi thì biết làm thế nào?
Lằng nhằng phí phát sinh
“Ơ, hôm trước ký hợp đồng chị có nói thêm khoản chi phí đi lại tụi em phải thanh toán đâu. Bên chị phải chịu hết chứ. Bây giờ tự nhiên thêm những hơn một triệu?”. “Em tính xem lăn lộn cả ngày cùng bọn em từ nhà bên này qua nhà bên kia, bốn năm lần thay đồ, trang điểm lại, nắng nóng thế này lại còn trang điểm cho mẹ cô dâu, mẹ chú rể. Bọn chị cũng mệt lắm chứ…”
Vô lý! Làm gì có cái chuyện tiền nong mập mờ thế này? Mình vùng vằng dứt khoát không chịu chi thêm cái tiền gọi là phí đi lại cho mấy chuyên viên trang điểm kia, nhưng chồng đau đầu quá nên can. Đã bực mình cái chuyện cỗ bàn rồi giờ lại đến chuyện này nữa. Đúng là toàn phiền phức trên trời. Muốn cãi nhau lắm rồi nhưng chồng ngăn lại “Em cáu làm gì, thôi để anh thanh toán rồi mình về nghỉ ngơi, em mệt rồi còn gì”. Thấy chồng nói thế nên mình cũng xuôi. Chắc chồng muốn giải quyết cho mau lẹ, còn mang đồ lễ đi trả, còn hoàn tiền váy cưới cô dâu và trăm thứ hầm bà lằng khác.
Lại mặt, mệt vẫn phải cười
“Mẹ ơi, đi trăng mật về xong mới lại mặt không được ạ?” Chồng hỏi mẹ khi thấy mẹ xếp đồ cho hai đứa về nhà mình, hoàn tất thủ tục lại mặt. Nói thật là đi đi, lại lại từ sáng đến giờ rồi chẳng muốn đi thêm lần nào nữa. “Bây giờ còn qua quýt đấy. Chứ như ngày xưa bố mẹ lấy nhau còn phải chờ đến ngày thứ hai, hoặc ngày thứ tư mới được về nhà đẻ. Còn phải đi chào họ hàng bên nhà gái rồi đón bố mẹ và vài người thân sang nhà chú rể. Lễ vật bây giờ cũng không cầu kỳ nữa, gọi là các con sang đó cho đúng tục lệ thôi”. Nghe mẹ chồng giải thích mà chóng cả mặt. Nghĩ đến cái cảnh tay xách nách mang nào bánh kẹo, xôi gà, thủ lợn… rồi đi chia cho họ hàng mà sởn da gà.
Hai vợ chồng dắt tay nhau về nhà mẹ đẻ, ở lại ăn bữa cơm, chuyện trò vài câu chuyện. Nghe mấy anh chị kể chuyện có những nhà chỉ vì lại mặt mà cãi nhau có khi còn không thèm nhìn mặt nhau nữa. Ở bên nhà gái thì chê chú rể, sang đến nhà trai thì nói xấu cô dâu. Con của nhà nào cũng tốt cũng hay cũng thấy người kia không xứng đáng với con mình. Mệt thật! May mà nhà mình không đến mức như thế! Tục lệ thì phải theo nhưng may mắn là không còn quá câu nệ như xưa kia nữa. Nếu mà đi hết vòng nhà mình rồi lại làm một vòng quanh nhà chồng nữa thì chắc chỉ còn hai cái xác khô!
Đau đầu kiểm tiền mừng
Bơ phờ sau một ngày dài thật dài trong cái ngày quan trọng ấy, mình thật lòng chỉ muốn trốn đi và ngủ một giấc. Lê được hai cái xác về đến nhà, vợ chồng mình gần như chỉ còn nước nhìn nhau cười… trừ, vì quá mệt.
“Anh bóc đến đâu, đọc tên rồi em ghi đến đó nhé!”. Chồng hì hục lôi đống phong bì đã được “phân loại”. Định bụng, sau lễ cưới, nghỉ ngơi tí rồi chuẩn bị cho chuyến trăng mật ngày mai, nhưng bố đưa cả đống phong bì và dặn dò “Kiểm lại rồi lên danh sách cho cẩn thận, sau này còn đáp lễ”. Bố đã dặn thế rồi, nên hai vợ chồng ngoan ngoãn ngồi xếp xếp, đếm đếm, kiểm tên bạn bè của vợ, của chồng. Cũng may là khách của bố mẹ, bố mẹ đã loại ra tự kiểm tra, tự rà soát chứ không thì đến chết ngất.
Đám cưới có nhiều tiền mừng ai chả thích, nhưng việc phải liệt kê, phải so sánh thâm hụt, lời lãi bao nhiêu, có phải cày trả nợ không… Chỉ xoay quanh mỗi chuyện cái phong bì thôi cũng oải lắm rồi. Mình buồn ngủ ríu cả mắt, chồng nhìn mình rồi nhìn qua đám phong bao chồng chất, dịu giọng dỗ dành “Thôi, cố một tý em ạ. Để mai lên máy bay cho nhẹ người. Hay em tranh thủ chợp mắt đi, anh làm cố thêm chút xíu nữa”. Nghe chồng nói thế, hôm nay lại còn phải chúc rượu bao nhiêu người nữa, còn mệt hơn mình. Thấy thương nên đứng dậy làm vài động tác thể dục rồi ngồi xuống làm cùng.
Địa chỉ nhầm… phong bì đi lạc
Đang vật lộn với đống tiền nong, danh sách, ghi chú, lời mừng thì điện thoại đổ chuông. Ai mà vô duyên nửa đêm nửa hôm còn gọi điện làm phiền vợ chồng mới cưới thế chứ?
- Alo, cho chú hỏi có phải số của Liên không? Thật làm phiền cháu quá, hôm nay chú đi dự đám cưới nhưng lại đến nhầm chỗ hai cháu.
- ???
- Xin lỗi cháu nhé, đi ăn cưới về rồi mới biết nhầm địa chỉ. Chú có quay lại, mãi mới xin được số của cháu. Chẳng là hôm nay con gái sếp chú cũng tổ chức ở đó. Chú có món quà cưới 1.000 đôla, ngoài phong bì ghi rõ: Chú Thanh, phòng kinh doanh công ty X. mừng hạnh phúc hai cháu…
Mình chưng hửng nhìn đống quà cưới và phong bì chưa bóc còn bộn bề trong phòng. Còn nguyên một lốc nữa, định bỏ đó, nhưng tình hình này, cũng đành:
- Dạ, vâng! Thế có gì mai cháu điện lại cho chú được không ạ? Tụi cháu vẫn chưa kịp bóc quà cưới.
- Ừ, thật phiền cháu quá! Nhưng kiểm tra lại giúp chú nhé! Chú cảm ơn!
Gác điện thoại rồi mà mình vẫn còn như đang trên mây, giống như chưa hiểu mình vừa nghe thấy những gì, quay sang chồng, thấy chồng đang chăm chú nhìn với ánh mắt tò mò thắc mắc thì mình chỉ còn nước thở dài rồi cười cho qua chuyện. Đến nhầm phòng tổ chức, đưa nhầm phong bì. Bây giờ người ta đã gọi điện đến tận nơi đòi, chẳng lẽ không trả. Đúng là dở khóc dở cười, biết làm sao bây giờ.
Đến khi nằm gọn trong tay chồng rồi, mình nghĩ đến ngày hôm nay mà rùng mình rồi bật cười thủ thỉ “Anh à, em không dám cưới lần nữa đâu!” Chồng gõ lên mũi cho một cái “Ai cho mà cưới nữa!”
Có cho cũng chả dám! Ôi đám cưới!