Bitexco 'tháo chạy', 10 doanh nghiệp nhảy vào dự án Thanh Đa – Bình Qưới

TPO - Dự án Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt quy hoạch năm 1992 với tổng diện tích rộng hơn 426 ha, bao gồm toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh với dân số khoảng 45.000 người. Sau hơn 26 năm không thể triển khai dự án nên Bitexco “tháo chạy”, hiện đã có 10 doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đấu thầu dự án này.

Sau ngày 5/3, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế- xã hội TPHCM tháng 2 và nhiệm vụ tháng 3/2019, ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết đã có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và nộp hồ sơ xin đấu thầu dự án Thanh Đa – Bình Qưới và sẵn sàng cam kết ký quỹ hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, ngày 15/3, xác nhận với Tiền Phong đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết hiện nay đã có 10 nhà thầu gửi văn bản tham gia đấu thầu dự án khu đô thị Thanh Đa – Bình Qưới.

Đường vào dự án xuống cấp nhiều năm khiến người dân đi lại khó khăn.

10 doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án này gồm: Liên danh Công ty CP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thaidand), Liên danh Công ty CP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd, Công ty TNHH Roytrade, Công ty CP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á, Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty CP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh, Công ty CP Xử lý ùn tắc giao thông - Môi trường; Công ty CP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; và Công ty CP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân. 

Do nằm trong dự án nên người dân không thể xây nhà bằng bê tông mà dựng nhà tôn

Trước thực trạng dự án treo quá lâu khiến người dân sống trong khu vực này khốn khó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã từng cam kết sẽ giải quyết dứt điểm dự án "treo" 26 năm này. "Triển khai được không cũng giải quyết dứt điểm chứ không thể để thế này nữa. Bởi đặt mình trong cảnh người dân sẽ thấy được nỗi khổ của dân, không chỉ dự án này mà còn những dự án khác" - ông Phong nhấn mạnh trong cuộc họp đầu năm. 

Những ngôi nhà vách tôn đã dần rỉ rét theo thời gian dự án bị "treo"

Vào năm 1992, TPHCM thông báo ý tưởng quy hoạch khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa là một "Việt Nam thu nhỏ" với mục đích đây sẽ là "khu văn hóa - thể thao - du lịch" nghỉ ngơi, giải trí phục vụ nhân dân thành phố và du khách trong, ngoài nước. Đến tháng 12/2000, thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bán đảo Thanh Đa với tính chất là "khu du lịch - văn hóa - giải trí và dân cư gắn với du lịch thành phố".

Do gặp khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo”.

Tiếp đến, tháng 6/2004, thành phố ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Tháng 12/2004, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn trình Sở Quy hoạch Kiến trúc nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa.

Tháng 6/2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND TP.HCM nhiệm vụ quy hoạch này. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ quy hoạch khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ là một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.

Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh sau 26 năm triển khai vẫn là nơi hoang vu.

Đầu năm 2006, TP.HCM xác định cụ thể khu Bình Quới - Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9. Nhưng năm 2010, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn bị UBND TPHCM thu hồi giấy phép đầu tư vì đã "ngâm" quá lâu mà không tiến hành triển khai đầu tư.

Đến năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo”.

Dự án Bình Qưới- Thanh Đa từ lâu được kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm kinh tế, du lịch của thành phố bởi vị thế đắc địa và những tiềm năng phát triển hết sức lớn. Tuy nhiên, đến nay nơi đây không khác gì một vùng nông thôn nghèo nàn, hoang hóa giữa lòng thành phố. Dân trồng lúa, nuôi heo, nuôi cá ngay tại mảnh đất chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số.