Bình Dương không còn đất nền giá dưới 1 tỷ đồng

Sau phiên đấu giá đất tại TPHCM lên đến hơn 2,4 tỷ đồng/m2, thị trường đất nền tại nhiều khu vực vùng ven lập tức tăng chạm mốc mới. Tại Bình Dương, dự án có giá dưới 1 tỷ đồng/nền hầu như không còn, nhất là tại các khu vực liền kề những khu công nghiệp lớn.

Khu vực trung tâm Tân Uyên đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản.

Giá đất tăng trên diện rộng

Tại Bình Dương, trái với sự nhộn nhịp của phân khúc căn hộ, từ đầu năm 2021 đến nay rất hiếm dự án đất nền được chủ đầu tư đưa ra thị trường. Trong khi đó, nhu cầu mua đất nền tại đây lâu nay luôn rất cao vì mặt bằng giá còn khá hợp lý và tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ công nghiệp và hạ tầng phát triển mạnh mẽ. Chính sự khan hiếm và tình hình chung của thị trường đã khiến phân khúc đất nền Bình Dương có sự điều chỉnh về giá.

Tại hai thành phố Thuận An và Dĩ An, các dự án đất nền ở khu vực trung tâm hoặc gần khu công nghiệp hiện đang ở mức từ 40 triệu đồng/m2. Mức giá này được xem là hấp dẫn bởi so với các khu vực liền kề thuộc thành phố Thủ Đức chỉ mới bằng một nửa. Bên cạnh đó, Thuận An và Dĩ An có mật độ dân cư đông hơn, kinh tế phát triển không hề thua kém Thủ Đức.

Xa hơn một chút, thị trường đất nền tại Bến Cát, Tân Uyên giá cũng đã chạm ngưỡng từ 17 triệu đồng/m2. Ghi nhận gần một năm qua hai nơi này không có dự án đất nền mới nào được chào bán nhưng giá vẫn tăng đều đặn. Đây cũng là những khu vực được đánh giá nhiều tiềm năng bởi liền kề thành phố mới Bình Dương và nhiều khu công nghiệp lớn đang hoạt động ổn định, người lao động đổ về làm việc rất đông.

Trong khi đó, Phú Giáo và Bàu Bàng được xem là thị trường mới phát triển nhưng các khu vực trung tâm hành chính hoặc gần khu công nghiệp hiện cũng không còn đất giá dưới 1 tỷ đồng/nền.

Lĩnh vực công nghiệp đang tạo điểm tựa phát triển vững chắc cho thị trường bất động sản Tân Uyên..

Thực tế, thời gian vừa qua, thị trường đất nền Bình Dương tăng trưởng tốt nhưng hoàn toàn dựa trên những yếu tố tiềm năng thực sự đã bộc lộ. Cụ thể, Bình Dương đang là trung tâm công nghiệp lớn nhất, nhiều năm liền đứng trong top 3 về thu hút FDI và kinh tế đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, Bình Dương đang đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh, các khu đô thị sáng tạo làm điểm tựa phát triển bền vững, hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được đầu tư nên giá đất tăng là hoàn toàn hợp lý.

Điểm nóng Tân Uyên

Hiện nay Tân Uyên là “ứng cử viên” sáng giá cho việc trở thành thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương. Kinh tế Tân Uyên phát triển khá nhanh nhiều năm qua nhờ sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn như Nam Tân Uyên, VSIP II, Sóng Thần 3, Uyên Hưng, Phú Chánh,… với khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động nhộn nhịp; thu hút FDI tính đến 2020 đã đạt gần 4 tỷ USD. Sắp tới, khi khu công nghiệp VSIP III quy mô 1.000ha đi vào hoạt động sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến mở nhà máy.

Về hạ tầng, thời gian vừa qua, Tân Uyên đã triển khai hàng loạt dự án quan trọng như nâng cấp đường ĐT747B, ĐT746 cùng quy hoạch đồng bộ các trục đường xuyên tâm như đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT743. Đặc biệt, việc xây dựng các dự án gồm đại lộ Nam Tân Uyên, đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, đường tạo lực Tân Uyên – Phú Giáo và Vành đai 4 hứa hẹn không chỉ giúp Tân Uyên mà cả Phú Giáo cũng sẽ bùng nổ về kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Bởi nhìn trên bản đồ sẽ thấy Tân Uyên, Phú Giáo giống như chiếc cầu nối giữa vùng sản xuất công nghiệp chủ lực của Bình Dương, Bình Phước và thị trường tiêu thụ lẫn các cảng xuất khẩu trọng yếu của phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lĩnh vực công nghiệp đang tạo điểm tựa phát triển vững chắc cho Tân Uyên.

Dân số Tân Uyên hiện có khoảng 300.000 người, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,56 lần so với cả nước. Các khu công nghiệp sầm uất là nền tảng thuận lợi để Tân Uyên hình thành các khu dân cư, khu đô thị hiện đại liền kề. Mô hình tích hợp giữa khu dân cư và các khu công nghiệp còn giúp diện mạo đô thị Tân Uyên phát triển hài hòa và bền vững, thu hút một lượng lớn lao động đến an cư lạc nghiệp. Kéo theo đó là sự phát triển nhanh chóng của thị trường bất động sản Tân Uyên.

Mới đây, chính quyền Tân Uyên đã vạch ra lộ trình phấn đấu đạt đô thị loại 2, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương trước năm 2025. Khi đó, Tân Uyên sẽ phát triển theo hướng đô thị thông minh kết hợp công nghiệp sử dụng nhiều hàm lượng công nghệ trên cơ sở bảo đảm định hướng quy hoạch của tỉnh Bình Dương. Đây là một “cú hích” được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi lẽ khi trở thành thành phố, Tân Uyên không chỉ là đô thị đáng sống mà thị trường bất động sản cũng sẽ nóng hơn nữa, giá tăng vọt như Thuận An và Dĩ An thời gian qua.