Bình Định: Xúc tiến thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại

TPO - Ngày 3/12, Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho hay, vừa tổ chức Hội thảo khoa học nhiệm vụ lập dự án chuẩn bị cho việc thành lập Khu dự trữ thiên nhiên (DTTN) đầm Thị Nại, với sự tham gia của các chuyên gia trên lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc thành lập khu DTTN đầm Thị Nại nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù của vùng đất ngập nước đầm Thị Nại, đặc biệt hệ sinh thái rừng ngập mặn với diện tích hiện tại là 58,51 ha; bảo tồn các loài nguy cấp, đặc biệt gia tăng quần thể các loài chim di trú nguy cấp toàn cầu; đảm bảo tính kết nối với các sinh cảnh liên kết trong khu vực.

Sử dụng và phát triển bền vững dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước phục vụ phát triển KT-XH, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định. Đồng thời, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái ở vùng đất ngập nước ven biển, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững, thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Đầm Thị Nại có hơn 5.000 ha diện tích mặt nước, trong đó khoảng hai phần ba diện tích mặt nước thuộc huyện Tuy Phước và một phần ba thuộc TP Quy Nhơn. Phân bố dọc theo chiều dài của đầm thuộc các phường Nhơn Bình, Đống Đa, Hải Cảng, Thị Nại và xã Nhơn Hội của TP Quy Nhơn; xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng của huyện Tuy Phước và một phần nhỏ nằm sát lưu vực sông Kôn trên xã Cát Chánh của huyện Phù Cát.

Đàn cò trắng bay về trú ngụ trên những cánh rừng ngập mặn ở đầm Thị Nại. Ảnh: Dũng Nhân

Theo đó, Bình Định sẽ thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước đầm Thị Nại trên cơ sở kiện toàn Ban quản lý Khu sinh thái cồn chim - đầm Thị Nại có chức năng quản lý.

Ban quản lý sẽ tiến hành đợt đánh giá đầu tiên về hiệu quả quản lý trong năm 2025 thông qua tiến độ thực hiện các hoạt động đã thực hiện trong 3 năm. Sau khi có kết quả giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn, xác định các hoạt động tiếp tục thực hiện các năm tiếp theo của kế hoạch quản lý (2025-2030).

Ông Trần Hữu Khánh (thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) dẫn PV đi tham quan khu rừng ngập mặn. Ảnh: Trương Định

Theo thống kê của Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định, hệ thực vật đầm Thị Nại gồm 145 loài (nghiên cứu mới đã cập nhật thêm 4 loài). Khu hệ động vật đáy đầm cho đến nay đã xác định được 191 loài (cập nhật thêm 4 loài). Ghi nhận được 126 loài cá (cập nhật thêm 15 loài).

Tổng số loài chim ghi nhận được là 103 loài. Trong đó nhiều loài chim định cư và một số loài chim di cư qua vùng đầm này và các khu vực lân cận. Nghiên cứu đã cập nhật thêm 13 loài. Các loài bò sát chỉ ghi nhận được 5 loài, trong đó đều là những loài phân bố phổ biến như: Thạch thùng, nhông cát, thằn lằn bóng và tắc kè.

Theo danh mục các loài của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) cập nhật, trên cơ sở các loài đánh giá có mặt ở đầm Thị Nại, đã xác định có 225 loài được ghi nhận theo các cấp độ khác nhau; trong đó có 2 loài nguy cấp, 6 loài sẽ nguy cấp, 5 loài nguy cơ đe dọa thấp, 214 loài ít được quan tâm và 7 loài thuộc danh mục còn thiếu dẫn liệu.

Trong tổng số 574 loài sinh vật có vùng phân bố tại đầm Thị Nại thuộc 12 ngành sinh vật trong cả hai giới động vật và thực vật, không ghi nhận loài đặc hữu nào.

Hiện nay, diện tích của đầm Thị Nại đang bị thu hẹp và có sự suy giảm về đa dạng sinh học. Trong đó, vùng đất ngập nước đầm Thị Nại đã có nhiều thay đổi một mặt do sự phát triển tự nhiên vùng bãi triều cửa sông Hà Thanh và sông Kôn, mặt khác bởi các tác động của con người trong quá trình phát triển KT-XH ở địa phương.

UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ lập dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại. Dự án được Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp đơn vị tư vấn là Viện Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ năm 2021 - 2022.