Qua truy vết, cơ quan chức năng xác định tổng số tiếp xúc gần của chuỗi này là 708 người. Tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả có 639 mẫu có kết quả âm tính, 69 mẫu đang chờ kết quả. Số người tiếp xúc F2 là 11.644 người trong đó 5.658 mẫu âm tính, 5.968 đang chờ kết quả.
Trong tháng 5/2021, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng sinh hoạt 4 lần vào các ngày 2, 9, 16 và 23. Ca bệnh có triệu chứng đầu tiên được ghi nhận là ngày 13/5. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đánh giá đây có thể là ca khởi đầu của chuỗi lây nhiễm này. Với nhận định ca bệnh đầu tiên khởi phát từ ngày 13/5 thì ngày sinh hoạt vào ngày 16 và 23 có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đây là chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến và các ca nhiễm có chỉ số xét nghiệm cho thấy mới nhiễm.
Mặc dù Hội thánh sinh hoạt dưới 20 người/buổi, nhưng nguy cơ lây nhiễm cao vì cùng sinh hoạt trong không gian nhỏ với diện tích khoảng 50m2, không gian kín. Đặc biệt, theo các thông tin điều tra, trong lúc họp hội, hội viên không đeo khẩu trang, môi trường sinh hoạt không đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch. Những yếu tố này đã tạo điều kiện cho vi rút lây lan nhanh. Gần như toàn bộ người tham gia họp hội đều nhiễm bệnh, 60% người có triệu chứng. Ngay khi phát hiện chuỗi lây nhiễm này, ngành y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm của 5 bệnh nhân thuộc nhóm lây nhiễm này để thực hiện giải mã gien, kết quả thu được 5 bộ gien vi rút, tất cả đều thuộc biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).
Trước đó, qua giải mã gien các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, cơ quan chức năng xác định bệnh nhân 4583 (ở quận 7) nhiễm biến chủng B.1.617. Bệnh nhân này là đồng nghiệp của bệnh nhân 4514 ở chung cư SunView Town (ở TP Thủ Đức) và nhiễm cùng biến thể.
Hàng quán đóng cửa, chỉ bán mang đi
Ngày 28/5, sau lệnh tạm ngưng các dịch vụ không thiết yếu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không được phục vụ khách tại chỗ, hầu hết các cơ sở chấp hành nghiêm chỉ thị của UBND TPHCM.
Tại khu vực quận 1, các nhà hàng, quán nhậu đã dọn bàn ghế, đóng cửa ngừng kinh doanh. Các cửa hàng bán đồ ăn, thức uống duy trì kinh doanh nhưng chỉ bán mang về. Bà Nguyễn Thị Phương, chủ quán cơm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) cho biết, sau khi có thông báo của chính quyền, gia đình bà đã dọn dẹp bàn ghế, chỉ để lại vài chiếc ghế cho người đến mua đồ mang đi ngồi chờ. Việc chỉ bán mang về khiến lượng khách giảm một nửa.
Ông Lê Văn Trí chủ quán miến gà ở quận 3 cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cơ sở của ông đã ngưng kinh doanh từ ngày 21/5, dự kiến sẽ mở cửa lại vào ngày 29/5. Tuy nhiên, ngày 27/5, TPHCM có thông báo tạm ngưng các dịch vụ không thiết yếu, các cơ sở bán đồ ăn không được phục vụ khách tại chỗ nên ông tiếp tục đóng cửa quán đến khi có chỉ thị mới. “Dù phải chịu nhiều thiệt hại nhưng chúng tôi cũng tuân thủ yêu cầu của chính quyền. Hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế để chúng tôi có thể kinh doanh trở lại”, ông Trí nói.