Bị giang mai, HIV vì ... xăm môi, lông mày

TPO - Quá trình phun, xăm có thể là nguyên nhân lây truyền các bệnh nguy hiểm như giang mai, HIV, viêm gan B,C …
Ảnh minh họa: Internet

Hai trong số các "bộ phận" được chị em phun xăm nhiều nhất là môi và lông mày. Với các dịch vụ này, các BS khuyến cáo phun, xăm môi hay lông mày là phương pháp làm đẹp đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện, nhưng bạn vẫn cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng nếu không muốn “tiền mất tật mang”. 

GS.TS Nguyễn Tài Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam cho biết, xăm môi, xăm mày tưởng rất đơn giản nhưng thực ra cũng là một cách can thiệp vào cơ thể. Khi xăm môi, hay xăm mày người  thợ phải dùng thuốc bôi tê việc dùng thuốc bôi tê cũng có thể gây ra các phản ứng sốc phản vệ.  Hoặc,  sau khi xăm xong môi sưng lên người thực hiện xăm môi sẽ cho một số thuốc như kháng viêm, kháng sinh mà không có hề có kiến thức về y tế cũng là một nguy cơ. Bên cạnh đó, việc vô trùng bộ dụng y tế để thực hiện xăm môi có đảm bảo không? cũng là điều hết sức lo ngại bởi nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy  truyền nhiễm.…từ người này sang người khác là hoàn toàn có thể.

GS. Sơn cũng cảnh báo, nhiều người cho rằng thẩm mỹ là những việc đơn giản, đặc biệt  như xăm môi, xăm mày ai cũng có thể làm được do đó nhiều người chủ quan  không tìm hiểu kỹ về chất lượng, cũng như tay nghề, điều kiện trang thiết bị của cơ sở hay của cán nhân người thực hiện cho mình, nên đã phải gánh những hậu quả đáng tiếc.

GS. TS Nguyễn Tài Sơn, cũng cho biết thêm, tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẫm mỹ của BV 108, các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân tiêm filler mũi, tạo má lúm đồng tiền, xăm môi nhập viện trong tình trạng viêm nhiễm làm biến dạng khuôn mặt, môi các bác sĩ đã phải trích rạch, có người phải điều trị cả tháng trời vẫn chưa cải thiện.

Những 'sự cố' có thể gặp phải khi phun xăm môi, lông mày

Nhiễm trùng tại chỗ xăm

 Sưng, tấy đỏ kéo dài, chảy máu, nổi mụn, môi bị tụ mủ là những hậu họa khó lường sau khi xăm môi, bên cạnh biểu hiện hay gặp như sưng nề trong vài ngày đầu tùy cơ địa của từng người. Thông thường, nếu sưng khoảng 2 – 3 ngày bạn không cần phải lo lắng quá vì chỗ sưng sẽ tự lành, nhưng nếu môi vẫn sưng sau 5 - 6 ngày tiếp đó thì cần đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị.

Bị dị ứng với mực xăm

 Dị ứng khi phun, xăm môi thường biểu hiện bằng việc da bị viêm, tróc kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Bác sĩ Cao Ngọc Bích cho biết, hầu hết những loại mực xăm hiện có trên thị trường đều chứa các thành phần hóa học độc hại. 

Lây các bệnh truyền nhiễm

 Nếu không tiệt trùng đúng cách, vật dụng, máy móc dùng trong quá trình phun, xăm có thể là nguyên nhân lây truyền các bệnh nguy hiểm như giang mai, HIV, viêm gan B,C …, nhất là khi thực hiện tại các cơ sở nhỏ không hiểu tầm quan trọng của việc khử trùng hoặc không có điều kiện khử trùng dụng cụ đầy đủ.

Ngoài nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ, dị ứng da, viêm đỏ da, tróc da kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, lạm dụng phun xăm nhiều lần mà không có khoảng cách thời gian an toàn dễ dẫn tới trơ da, không ăn mực thì chị em còn phải gánh chịu những di chứng mà người xóa vết xăm phải chịu đựng như sẹo vĩnh viễn, chàm da, thậm chí có người bị dị ứng tái đi tái lại, gây ngứa ngáy, mất thẩm mỹ.