Thừa Thiên- Huế:

Bệnh viện “đói” thuốc, bệnh nhân nghèo chới với

TP - Gần một tuần nay, nguồn thuốc khám chữa bệnh (KCB) tại Bệnh viện huyện Phú Lộc đột nhiên bị khan hiếm trầm trọng. Bệnh viện “đói” thuốc buộc các đối tượng diện BHYT, người nghèo, trẻ em phải gồng mình mua thuốc bên ngoài để điều trị bệnh.

Tại buổi giao ban chuyên môn giữa lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, các khoa phòng chức năng và đại diện trạm y tế xã vào sáng 16/5, thực trạng khan hiếm nguồn thuốc KCB những ngày gần đây đã trở thành vấn đề “nóng”, thu hút sự chú ý của nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn.

Nhiều trưởng trạm y tế cho rằng, đây là một “nỗi khổ” nghề nghiệp lần đầu tiên họ gặp phải.

Cơn khủng hoảng nguồn thuốc KCB từ bệnh viện huyện đã lan ra tất cả 17 trạm y tế và 3 phòng khám đa khoa trên địa bàn Phú Lộc. Một số nơi gần một tuần nay đã phải tạm ngưng cấp thuốc cho đối tượng thuộc diện BHYT, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi.

Chị Phạm Thị Sen (trú xã Lộc Bình) thuộc diện hộ nghèo, dù có thẻ BHYT, nhưng nhiều ngày nay gia đình phải tự xoay xở tiền triệu để mua nhiều loại thuốc, dịch truyền chữa bệnh. Chị Sen vô cùng lo lắng, nếu bệnh viện vẫn “đói” thuốc kéo dài, gia đình nghèo không biết lấy đâu ra tiền để mua thuốc tiếp tục chữa bệnh.

Bà Nguyễn Cửu Thị Nhàn (trú xã Lộc Trì) cũng không giấu được bức xúc, mặc dù tham gia BHYT từ nhiều năm, nhưng lần này đến chữa bệnh tại bệnh viện huyện chỉ được cấp vài viên thuốc, số còn lại gia đình bà phải móc tiền túi mua bên ngoài. Chị Lê Thị Hằng (trú tại xã Lộc Vĩnh) có con nhỏ dưới 6 tuổi bị bệnh viêm đường ruột đến điều trị tại Bệnh viện huyện Phú Lộc cũng không ngoại lệ. Cháu bé con chị Hằng không được bệnh viện cấp thuốc theo BHYT mà phải tự mua bên ngoài theo kê đơn của bác sĩ.

Có tiền vẫn không mua được thuốc

Tiếp xúc với các phóng viên vào sáng 16/5, ông Nguyễn Văn Hường - Giám đốc TTYT huyện Phú Lộc- thừa nhận: Bệnh viện huyện bị thiếu thuốc KCB là có thật, không chỉ rơi vào đối tượng có BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi mà cả bệnh nhân thông thường thuộc diện chịu viện phí.

Ông Hường khẳng định, nguyên nhân thiếu thuốc là do công tác dự toán yếu kém của bộ phận dược ở bệnh viện. Một nguyên nhân khác là do số thuốc đấu thầu (mỗi năm một lần) theo yêu cầu của bệnh viện đã không được nhà thầu đáp ứng đầy đủ.

Bệnh viện huyện chỉ mua được 1,4 tỷ đồng so với 3 tỷ đồng các loại thuốc đã đăng ký đấu thầu năm 2008 với Sở Y tế Thừa Thiên-Huế.

Theo quy định hiện hành của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nguồn thuốc mua bổ sung ngoài các gói thầu đã thực hiện không được vượt quá 50 triệu đồng đối với bệnh viện tuyến huyện. Bệnh viện Phú Lộc hiện đã mua “vượt khung” hơn 100 triệu đồng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Bệnh viện dù có tiền vẫn không thể mua được thuốc một khi đã “vượt khung” và chưa kịp đấu thầu bổ sung. Được biết, Bệnh viện Phú Lộc đã làm thủ tục xin đấu thầu thuốc bổ sung gửi Sở Y tế gần 1 tháng nay, nhưng nhanh nhất phải đến giữa tháng 6, nguồn dược phẩm, vật tư y tế bổ sung mới có thể về đến bệnh viện huyện và các trạm y tế.

Với tình hình này, tình trạng thiếu thuốc hoặc cấp thuốc cầm chừng vẫn còn kéo dài ở Phú Lộc.

Bệnh nhân bị thiệt, ai chịu trách nhiệm?

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Hường, giải pháp trước mắt để “chữa cháy” cho tình trạng khan hiếm thuốc trên địa bàn là huy động từ nguồn dự phòng (phòng chống lụt bão, các chương trình y tế khác) để phục vụ công tác KCB hàng ngày của bệnh viện huyện và các trạm y tế. Ngoài ra, TTYT huyện sẽ chấp nhận mua “vượt khung” thêm 100 triệu đồng tiền thuốc nằm ngoài phạm vi đấu thầu.

Ông Hường phân bua: “Tôi biết làm như vậy là trái quy định, UBND tỉnh xử tôi thế nào thì tùy, nhưng trước mắt phải có thuốc bổ sung kịp thời phục vụ bệnh nhân rồi hãy tính”.

Tuy nhiên, với lượng bệnh nhân tăng đột biến như hiện nay, khoảng 600 trường hợp KCB mỗi ngày, các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến xã hàng ngày phải tiêu tốn trên dưới 11 triệu đồng tiền thuốc, nên các nguồn thuốc bổ sung tạm thời ở Phú Lộc cũng chỉ đủ dùng cầm chừng đến hết tháng 5/2008.

Thuốc chữa bệnh bị thiếu hụt, thiệt thòi lớn nhất đang thuộc về bệnh nhân, đặc biệt là các đối tượng nghèo. Cơ quan nào phải chi trả, bồi hoàn tiền thuốc cho các trường hợp có BHYT nhưng không được cấp thuốc, buộc phải mua bên ngoài, vẫn đang là vấn đề bức xúc bị bỏ ngỏ, trong khi bệnh viện huyện không thừa nhận trách nhiệm đó về mình.