> Chưa thông phạt nguội từ hộp đen
> Hộp đen kém chất lượng: Nhà xe 'khóc', thanh tra lúng túng
Tại buổi toạ đàm về tích hợp dữ liệu được tổ chức cuối tuần qua, những khó khăn về tích hợp dữ liệu đã được mổ xẻ. Theo kế hoạch ban đầu, một trung tâm tích hợp dữ liệu hộp đen quy mô toàn quốc đi vào hoạt động ngày 1/7. Sau đó, việc tích hợp được hoàn sáng 1/8. Tuy nhiên đến nay, ngày khai trương trung tâm này vẫn chưa đến.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, một trong số các đơn vị thí điểm tích hợp hộp đen, thừa nhận: Đích 1/8 đã trôi qua và thời điểm 1/9 tới cũng khó có thể tích hợp thành công. Cơ quan nào sẽ quản lý dữ liệu hộp đen vẫn chưa được xác định.
Đích 1/8 đã trôi qua và thời điểm 1/9 tới cũng khó có thể tích hợp thành công.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia
Theo ông Hiệp, khó khăn hiện nay là do doanh nghiệp (DN) dùng các loại hộp đen khác nhau, đi theo đó là các phần mềm, cách thức, thời gian truyền tải khác nhau. Có hộp đen 3 giây gửi thông tin về trung tâm 1 lần, hộp đen khác lại gửi với tần suất 5 giây với các định dạng thông tin khác nhau. Có những DN dùng nhiều hộp đen khác nhau.
Một điểm nghẽn khác trong việc tích hợp, sử dụng thông tin từ hộp đen là cách thức xác định lỗi vi phạm. Chẳng hạn, đối với lỗi tốc độ, thông tin từ hộp đen gửi về liên tục vài giây một lần. Nếu áp dụng phương pháp tính lỗi tức thời như súng bắn tốc độ của CSGT hiện nay, mỗi phút, phương tiện có thể bị tính hàng chục lần vi phạm, mỗi ngày vi phạm hàng trăm lần.
Ngoài ra, một số DN cung cấp hộp đen khẳng định có hiện tượng nhiễu thông tin. “Có thời điểm xe chỉ chạy vài chục km/h nhưng thông tin gửi về lên đến... 400 km/h. Đó là hiện tượng nhiễu thông tin. Vì thế, không thể lấy thông tin từ một thời điểm để làm căn cứ để xử phạt”, một DN sản xuất hộp đen nói.
TS Đặng Công Chiến, GĐ Trung tâm Thông tin Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, nói rằng, hộp đen được sử dụng tại nhiều nước, nhưng ngay cả các nước phát triển, họ chỉ sử dụng cho nhu cầu của DN, chưa đưa vào quản lý nhà nước. “Có nhiều nguyên nhân, có thể là do yếu tố công nghệ, do quản lý nhà nước của họ đã tốt rồi nên họ không dùng. Các nước phát triển ở châu Âu sử dụng camera giám sát trên đường”, TS Chiến nói.