> Dị ứng thực phẩm – Những điều cần biết
Nguyên nhân gây dị ứng ở bé
Bé thường bị dị ứng thực phẩm ngay lần đầu tiên tiếp xúc với thức ăn. Vào thời điểm đó, kháng thể phản ứng với thức ăn và xảy ra dị ứng. Những biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng thức ăn ở bé khá đa dạng như nổi mề đay, hen suyễn, ngứa trong miệng, khó thở, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…
Những thực phẩm dễ gây dị ứng
- Sữa: Dị ứng với sữa bò khá phổ biến ở trẻ em, chiếm khoảng 2,5 % ở các bé sơ sinh. Những em bé này cũng có khả năng bị dị ứng với các nguồn sữa khác ngoài sữa bò như sữa dê, sữa cừu. Nguyên nhân có thể do cơ thể bé dị ứng với các thành phần trong sữa như Protein, đường… Đối với trẻ 5 tuổi, hiện tượng dị ứng sữa có thể chiếm tới 85%, 10% trong số đó dị ứng cả với thịt bò.
- Trứng: Trứng là một trong những loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho bé nhất. Bé có thể chỉ dị ứng với lòng đỏ hoặc với lòng trắng trứng, đặc biệt ở trẻ 5 tuổi. Dị ứng trứng có thể dẫn tới một số vấn đề về mũi, gây hen suyễn, khó thở.
- Đậu nành: Số trẻ dị ứng với đậu nành chiếm khoảng 0,3 %. Tuy nhiên, dị ứng này không gây nguy hiểm tới sức khỏe của bé.
- Lùa mì: Chỉ một số lượng rất nhỏ các bé bị dị ứng lúa mì bởi hệ thống miễn dịch còn non yếu. Tuy nhiên, đa số các loại ngũ cốc vẫn được coi là thực phẩm “lành tính” đối với sức khỏe con người.
- Các loại hạt: Lạc, óc chó, hạt điều, hạnh nhân… cũng có thể làm bé bị dị ứng ở mức độ nhẹ. Số lượng các bé này chiếm khoảng 5%
- Hải sản: Hải sản là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào cho cơ thể. Tuy nhiên, giống như người lớn, nhiều “bé con” không thể hấp thu được các thực phẩm giàu đạm như tôm, cua, hàu, ốc, hến… Dị ứng hải sản có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu ở mức độ nặng. Một số biểu hiện thường gặp của tình trạng này là nổi mề đay, đỏ bừng mặt, phù mạch, ngứa mắt, ngữa mũi, bóc da tay chân, phù môi, mắt… Ngoài ra, chúng còn ảnh hưởng tới hệ hô hấp, hệ tiêu hóa... của bé. Trong một số trường hợp dị ứng hải sản, bé có thể bị tim loạn nhịp dẫn tới tử vong. Điều này đặc biệt dễ xảy ra với các bé dưới hai tuổi. Vì vậy, mẹ cần hết sức cẩn trọng khi cho bé ăn đồ hải sản và ngừng lập tức, đồng thời, có các biện pháp điều trị kịp thời khi bé không may có các biểu hiện của dị ứng.
Những cách đơn giản để điều trị dị ứng
Hạn chế cho bé ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng là cách đơn giản nhất. Sau khi bé ăn và bị dị ứng lần đầu tiên, mẹ không nên cho bé tiếp tục sử dụng trong những lần tiếp theo. Nếu mẹ đang cho con bú, bản thân mẹ cũng không nên ăn những thực phẩm đó bởi nguồn sữa mẹ có thể làm bé yêu dị ứng.
Đối với những bé bị dị ứng ở mức độ nặng, mẹ nhất thiết phải nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa để có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bé.
Nếu có thể, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu tiên và chỉ nên cho bé ăn dặm khi đã tròn sáu tháng tuổi trở lên.
Hương Giang
Đơn vị tư vấn chuyên môn:
Website: www.methongthai.vn
Email: tuvan@methongthai.vn
Số điện thoại: 04.628.151.22/ 0943.48.49.50
Địa chỉ: Phòng 2203 nhà 24T2 đường Hoàng Đạo Thúy, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội