Bay bổng cùng ước mơ của Võ Việt Chung

Nhà thiết kế Võ Việt Chung – người được Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 tổ chức tại Việt Nam - “chọn mặt, gởi vàng” thiết kế áo dài. Anh đang ráo riết hoàn chỉnh 85 bộ trang phục áo dài dạ hội cho 85 người đẹp kịp tranh tài, đua sắc.

Mẫu trang phục áo dài dạ hội dành cho thí sinh Hoa hậu Nhật Bản.

Chúng tôi có cuộc chuyện trò cùng anh…

Có vẻ như nhà thiết kế Võ Việt Chung rất có duyên với những “cái đầu tiên”…

Khi Việt Nam được chọn đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008 và tôi được chọn là nhà thiết kế trang phục áo dài cho tất cả các thí sinh, đó là một cơ hội rất tốt.

Cách đây 20 năm, khi chưa vào nghề, tôi từng ngồi xem cuộc thi này và từng mơ ước sau này được vào ngành thiết kế, được làm công việc thiết kế cho các người đẹp dự thi. Bây giờ tôi đang ngồi đây, đang được làm những công việc mà tôi từng mơ ước.

Việc thiết kế trang phục áo dài cho các thí sinh ở một trong những cuộc đua sắc đẹp lớn nhất hành tinh, có là một áp lực lớn đối với anh?

Áp lực là do tôi thôi chứ không ai đưa ra cả. Khi đảm nhận thiết kế trang phục cho cuộc thi này, tôi vừa cảm thấy vinh dự, vừa cảm thấy mình phải có một trọng trách rất lớn.

Bởi giới thiệu chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam, tôi muốn giới thiệu một cái gì đó mới lạ hơn. 10 năm về trước, chiếc áo dài Việt Nam có thể lạ với công chúng, nhưng 5 năm sau này Việt Nam đã tham dự nhiều cuộc thi, nhiều chương trình thời trang trên thế giới không lẽ vẫn chỉ là chiếc áo dài như xưa.

Tôi không muốn thế giới nghĩ rằng chiếc áo dài của Việt Nam chỉ có vải lụa mà lần này, tôi giới thiệu sự kết hợp tinh thần truyền thống trong chiếc áo dài với những chất liệu mới, hiện đại trên thế giới. Tôi muốn mang lại một hình ảnh mới, hiện đại của chiếc áo dài.

Tính hiện đại mà anh muốn giới thiệu sắp tới là gì?

Cái mới lạ trong bộ sưu tập lần này, đó là chất liệu mà tôi sử dụng thiết kế nên những chiếc áo dài. Từ chất liệu, màu sắc, tôi đều dựa theo xu hướng thời trang của thế giới.

Tất cả các áo dài tôi đều sử dụng chất liệu ren, voan… và những viên đá đính kèm, đều là hàng cao cấp trên thế giới, tôi phải nhập từ các nước châu Âu: Ý, Pháp….

Những kiểu dáng của chiếc áo dài lần này, không đơn thuần chỉ là cái sườn áo dài mà rất đa dạng không cổ, có cổ, chủ yếu là mình đem những cái hay nhất, đẹp nhất của một đất nước vào chiếc áo dài.

Có chiếc áo dài được lấy từ chiếc xường xám của Trung Quốc, rồi chiếc áo kimono của Nhật Bản… hay màu sắc cũng thế.

Chẳng hạn như màu sắc hoang dã, sôi nổi thì dành cho châu Phi… Mỗi dân tộc đều có đặc trưng vùng miền, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau, kể cả màu da, mái tóc, ánh mắt đều là những cái quan trọng để hình thành nên bộ sưu tập lớn.

Khi bắt tay vào thực hiện bộ sưu tập này, tôi còn kết hợp từ màu son của môi, màu tóc, màu da… cho từng thí sinh sao cho hài hòa nhất. Đến giờ này tôi đã thực hiện hơn 90 % công việc và số tiền đầu tư lên đến hơn 100.000 USD.

Nhà thiết kế Võ Việt Chung

Nghiên cứu văn hóa của các dân tộc khác nhau trên thế giới để giúp anh điều gì?

Từ tháng 11/2007, tôi đã được đặt hàng thiết kế và tôi đã đặt hàng mua chất liệu… từ các nước về thực hiện. Đến nay, hơn nửa năm rồi. Với khoảng thời gian ấy, tôi có nhiều cơ hội lựa chọn thiết kế, cũng như nhận những số đo của các thí sinh khắp nơi trên thế giới được ban tổ chức gửi về.

Mỗi lần nhận các số đo, tôi biết rằng các thi sinh được gửi đến mình bằng số đo chuẩn như thế nào, làn da như thế nào. Tại mỗi nước đều có những thông số, chuẩn mực sắc đẹp mà đất nước họ đưa ra.

Vì vậy, tôi phải xem những gì đặc thù của mỗi đất nước để đưa vào bộ trang phục cho các thí sinh. Khi làm, tôi tham khảo những cuốn băng của những cuộc thi từ các năm trước, xem bộ trang phục truyền thống của các thí sinh…

Điều đó giúp cho tôi rất nhiều trong việc đưa văn hóa dân tộc của họ hòa nhập với chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam. Tôi muốn làm sao để các thí sinh khi mặc chiếc áo dài Việt Nam không cảm thấy cái gì đó xa lạ quá mà có thể cảm nhận được một chút hơi hướm, văn hóa dân tộc mình, giúp họ tự tin hơn.

Anh thấy thiết kế chiếc áo dài cho thí sinh nào là khó khăn nhất?

Với 85 chiếc áo dài lần này, thú thật là cũng có những mẫu mà tôi chưa vừa lòng lắm, nhưng mà tôi không dễ dàng bỏ qua những sơ sót đó. Mặc dù 85 mẫu, nhưng tôi đã thiết kế hơn 90 mẫu để khi các thí sinh sang mặc thử, sẽ có sự lựa chọn tối ưu.

Qua cuộc thi này, tôi hy vọng hàng tỷ người trên thế giới khi xem, không chỉ biết con người, đất nước Việt Nam mà còn biết về văn hóa mặc của người Việt Nam, để sau đó, khi họ đặt chân đến Việt Nam, tôi muốn rằng chính họ sẽ mong muốn sở hữu một bộ áo dài đem về làm kỷ niệm.

Anh có sự “ưu tiên” nào dành cho thí sinh Việt Nam?

Tôi là một nhà thiết kế rất công bằng, thẳng thắn cho nên hoàn toàn không thiên vị. Có chăng là tôi chỉ muốn dành cho Việt Nam một cái điều gì đó kín đáo hơn, lãng mạn hơn, e ấp hơn. Tất cả tôi đang muốn giữ bí mật. Tôi muốn các thí sinh ở cuộc thi này đều công bằng như nhau.

Cảm ơn và chúc anh thành công!

Theo Đỗ Hạnh
Sài gòn Giải phóng