Bầu cử Indonesia: Nỗi niềm các cử tri nông dân

TP - Cách đây 2 tháng, Tama, một nông dân Indonesia, thu hoạch được vài tấn hẹ từ mảnh đất nhỏ mà ông thuê ở làng Gringting, miền trung Java. Tama phải cảm ơn Tổng thống Joko Wikodo vì giúp ông có được vụ mùa này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo rửa mặt sau một cuộc vận động bầu cử ở tỉnh trung Java ảnh: Reuters

Chương trình quỹ làng do Tổng thống Widodo đề ra đã giúp biến con đường đầy bụi bặm từ nhà ông ra đồng trở thành đường bê tông rộng rãi. Chương trình cũng đưa điện đến thắp sáng những ngọn đèn bắt bướm ban đêm, giúp giảm chi phí mua thuốc diệt côn trùng.

Hẹ của ông Tama được chở đến thủ đô Jakarta, cách làng 250km về phía tây, trên con đường khang trang mới được làm theo chương trình hạ tầng nông thôn mới. Nhưng chính phủ ông Widodo lại tìm cách kiểm soát giá bán lẻ, dẫn đến việc nhập khẩu thực phẩm nhiều hơn và áp giá trần đối với các hàng nông sản như gạo và hẹ, khiến nông dân kiếm được ít lời hơn. Vì thế, khi ông Widodo nỗ lực để đắc cử thêm một nhiệm kỳ trong cuộc bầu cử tuần này, một số nông dân trên đảo Java đông dân đang băn khoăn có nên bầu cho ông.

Tama, 42 tuổi, không kiếm được đủ tiền trong vụ mùa hồi tháng 2 vừa qua để trả nợ vì giá hẹ 
quá thấp. “Tôi phải vay tiền bạn bè hoặc làm thêm bất kỳ việc gì khác”, Reuters dẫn lời ông Tama. Giống như nhiều người Indonesia khác, tên của người nông dân này chỉ có một tiếng.

Ông Widodo, thường được gọi với tên khác là Jokowi, đang tiến vào cuộc bầu cử với triển vọng chiến thắng lớn trước đối thủ là vị tướng nghỉ hưu Prabowo Subianto. Nhưng đối thủ của ông Widodo đang tấn công vào chính sách nông nghiệp để nói rằng một số dự án hạ tầng không giúp ích cho dân thường. 

Kinh tế của Indonesia đã tăng trưởng 5% trong nhiệm kỳ đầu của ông Widodo, nhưng thu nhập thực tế của gần 40 triệu nông dân, tương đương 1/3 lực lượng lao động của nước này, đã giảm. 
“Chính phủ lựa chọn các chính sách dân tuý và dẫn đến việc nông dân không được quan tâm đầy đủ”, ông Josua Pardede, nhà kinh tế học tại ngân hàng Permata ở Jakarta, đánh giá. 

Con đường “Brexit”

Các chính sách của ông Widodo giúp hạ tỷ lệ lạm phát xuống 2,5% hiện nay - mức thấp nhất ở Indonesia trong chục năm qua, từ mức khoảng 8% lúc ông mới lên nắm quyền. Điều đó giúp củng cố tăng trưởng ổn định trong chi tiêu gia đình, thành phần đóng góp hơn một nửa cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. 

Những tham vọng hạ tầng của ông Widodo cũng giúp làm giảm chi phí hậu cần mà Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2013 ước tính là chiếm đến 24% GDP, mức cao nhất ở khu vực. Indonesia xếp thứ 46 trong tổng số 160 quốc gia trong Chỉ số hiệu suất hạ tầng của WB năm 2018, tiến bộ hơn thứ bậc 63 của nước này trong năm 2016. Các dự án hạ tầng cũng được đẩy nhanh tiến độ trước cuộc bầu cử lần này. 

Cuối năm ngoái, ông Widodo khánh thành đoạn cuối của tuyến đường dài 944km nối bờ đông và tây Java, trong đó có đoạn giữa thủ đô Jakarta với vùng trồng hẹ Brebes mà người nông dân Tama đang canh tác. 

Năm 2016, đoạn đường đó trở thành tiêu đề trên báo chí quốc tế khi một vụ tắc đường suốt kỳ nghỉ lễ 3 ngày xảy ra tại cửa Brebes Exit và người địa phương gọi nó là “Brexit” vì trùng với sự kiện bỏ phiếu về Brexit ở Anh. 

Trước khi con đường Brexit được làm lại, các lái xe tải phải mất khoảng 8 giờ đồng hồ để vận chuyển hẹ từ cánh đồng đến thị trường ở Jakarta vì quá nhiều ổ gà, tình trạng cao tốc ngập lụt và kiểu thu phí ngẫu nhiên. Ngày nay, hành trình đó chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ. “Chúng tôi rất biết ơn vì tất cả hạ tầng đó, nhưng chính sách giá cả cần thay đổi”, người nông dân Nanang Kusmari Gunawan, 31 tuổi, phàn nàn về giá hẹ quá thấp trong năm ngoái.

Bộ Thương mại Indonesia áp trần giá bán lẻ hẹ là 32.000 rupiah (khoảng 53.000 đồng) mỗi cân hẹ trong năm 2018 và đề xuất giá bán hẹ tại ruộng là 15.000 rupiah/kg. Nhưng anh Gunawan nói rằng thực tế nông dân chỉ bán được với giá 10.000 rupiah/kg. 

Một số nông dân ở miền trung Java, căn cứ truyền thống của đảng của ông Widodo, cũng không hài lòng với các chính sách của chính phủ. “Kẻ thù lớn nhất của nông dân là hàng nhập khẩu”, anh Suwarno, 34 tuổi, nói trong lúc đang làm việc trên mảnh ruộng trồng hẹ. Anh tin rằng ông Prabowo sẽ cho dừng nhập khẩu nông sản. 

Là chủ tịch Hội nông dân Indonesia trong một thời gian dài, ông Prabowo luôn ủng hộ các quyền của nông dân. Ông hứa sẽ công nghiệp hoá nông nghiệp nếu trở thành tổng thống. 
Tuy nhiên, đa số cử tri ở Brebes có thể vẫn bầu cho ông Widodo. Một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Alvara được thực hiện vào đầu tháng 4 này cho thấy ông Widodo có thể sẽ giành được 66,5% số phiếu ở miền trung và đông Java, còn ông Prabowo chỉ được 18,8%. 

Dù không kiếm được nhiều từ vụ mùa hẹ vừa qua, ông Tama nói rằng ông vẫn ủng hộ ông Widodo. “Tôi chọn ông Jokowi. Tôi không nghĩ tôi sẽ thay đổi. Các chương trình của ông ấy thật phi thường”, ông Tama nói với Reuters, trong bối cảnh hàng chục triệu cử tri Indonesia sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống và quốc hội vào thứ Tư tuần này.