Trong những tuần gần đây, giá hạt điều nhân trên thị trường thế giới ngày càng giảm mạnh. Chẳng hạn, loại chuẩn W320 trước đây được bán với giá 7,90 USD/kg, nay giảm còn 6,50 USD/kg nhưng vẫn khó bán.
Theo ông Sơn, có 3 lý do khiến giá điều đột ngột giảm mạnh: Một là do đồng USD lên giá so với Euro và đô la Úc khiến cho giá điều tại Châu Âu và Úc trở nên đắt đỏ nên tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Hai là, giá điều năm nay ở mức khá cao, khiến nhu cầu tiêu thụ ở các nước có phần giảm.
Ba là, doanh nghiệp Việt Nam bán tháo vì không chịu nổi lãi vay quá cao nếu tiếp tục găm giữ hàng.
Cũng theo ông Sơn, những tuần gần đây các nước xuất khẩu điều như Ấn Độ và Braxin quá ngạc nhiên bởi không rõ vì sao các DN Việt Nam lại bán hạt điều rẻ đến mức dưới giá thành (tính theo giá thế giới hiện nay).
Cụ thể, giá bán ra tính vào thời điểm ngày hôm qua (11/9) là 6,39 USD/kg. “Việc các DN Việt Nam bán như vậy đang được coi là phá giá và đem lại cơ hội cho các nhà nhập khẩu ép giá điều Việt Nam” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, đã tìm hiểu nguyên nhân của việc bán phá giá và đều được các đơn vị (có bán phá giá) cho biết: lý do chính là vấn đề tài chính và lãi suất. Hầu hết hàng hóa (điều thô) đang quản chấp của họ đều chịu lãi vay từ 1,75-2,00% tháng, có nhiều khoản lên đến 2,2% tháng. Thay vì găm hàng chờ giá lên, các DN bán rẻ lấy tiền trả ngân hàng bởi không biết chắc giá có lên hay không.
Mặt khác, do hàng đã quản chấp nên DN muốn lấy hạt điều thô trong kho ra sản xuất thì lại phải trả tiền cho ngân hàng mới rút hàng ra sản xuất được. Vì vậy, bằng giá nào DN cũng phải bán điều nhân cho nước ngoài mới có tiền giải chấp để lấy điều thô ra sản xuất.
Ông Sơn nêu dẫn chứng từ chính DN của mình - Cty TNHH Thạnh Sơn: Thạnh Sơn vay ngân hàng 30 tỷ đồng để trữ điều nguyên liệu và toàn bộ số nguyên liệu này được ngân hàng niêm phong tại kho của công ty. Mới đây, ông Sơn đã buộc phải bán bớt với giá rẻ để lấy tiền trả ngân hàng và cũng là để được rút phần số điều trong kho ra chế biến.
“Lãi vay cao và chính sách cho vay quản chấp như hiện nay đã vô hình chung biến Việt Nam thành nơi phá giá điều trên thế giới”- ông Sơn nói.
Nghịch lý ở chỗ, theo ông Sơn, đây là lúc các DN trong nước cần nhập nhiều điều nguyên liệu để phục vụ cho thị trường mùa Noel và tết dương lịch; và đáng lẽ đây là cơ hội cho giá điều tăng hoặc ít nhất là giữ nguyên giá thì chúng ta lại đang phá giá thị trường.
Tính sơ bộ, mức thiệt hại về xuất khẩu điều trong những tháng cuối năm là cực kỳ lớn, và ước đến vài chục triệu USD. Việc này không chỉ gây tổn hại lớn cho ngành điều mà còn thiệt hại cho bà con nông dân, bởi vào vụ tới họ phải bán điều mới thu hoạch theo mặt bằng giá mới.