Cụ Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922 tại Làng Mọc, Hà Nội vốn là giáo viên sử trường Phan Đình Phùng, là bạn tri kỷ của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, bạn tâm giao của các danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên và Nguyễn Sáng, rồi kết giao với anh em với nhà văn Nguyễn Tuân. Ông còn trở thành người mẫu cho danh hoạ Bùi Xuân Phái với 242 bức ký hoạ chân dung.
Hội đồng giám khảo đánh giá, dù ở tuổi 96 cụ Nguyễn Bá Đạm vẫn mẫn tiệp, ngày nào cũng ngồi vào bàn viết. Ông in hai cuốn Thuở ấy Hà Nội, Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối TK19-20, chuẩn bị ra mắt cuốn Hà Nội xưa kia, năm sau ông định in Những chuyện chưa kể về các danh hoạ Hà Nội trong đó chủ yếu nói về bộ tứ Nghiêm-Liên-Sáng-Phái.
Ông Nguyễn Bá Đạm nối tiếp danh sách những người ưu tú được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng lớn: Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Tô Hoài, GS.TSKH. Phan Huy Lê, nghệ sĩ guitar Văn Vượng, nhiếp ảnh gia Quang Phùng, nhà nghiên cứu Tảo Trang Vũ Tuân Sán, nhà nghiên cứu Giang Quân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, nhà văn hoá Hữu Ngọc.
Một người nặng lòng vơi di sản văn hoá nói chung, văn hoá Hà Nội nói riêng PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nhận giải Ý tưởng-Vì tình yêu Hà Nội. Ý tưởng của ông vượt qua hai ý tưởng đề cử khác-ý tưởng thành lập bảo tàng Hồ Gươm của KTS. Hoàng Thúc Hào, dự án thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn của ông Martin Rama.
“Tôi mong rằng Hà Nội giữ gìn bằng chứng lịch sử có hơn 3.500 năm tuổi ở Vườn Chuối như cách giữ gìn chiều sâu lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Nếu không giữ gìn từng bằng chứng thì nó sẽ bị cạn dần, nông dân. Vì vậy tôi hiểu rằng giải thưởng này dành cho chúng tôi nhằm khuyên khích tất cả chúng ta cùng chung tay chung sức giữ gìn chiều sâu lịch sử của Hà Nội bằng giá trị vật thể và phi vật thể. Chiều sâu lịch sử của Hà Nội chính là các di sản vô cùng phong phú. Nó giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau xây dựng Thủ đô ngày càng tốt đẹp hơn”, PGS. Huy phát biểu sau khi nhận giải.
Ở hạng mục giải Việc làm-Vì tình yêu Hà Nội, BTC trao cho việc xây dựng phố bích hoạ Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam-Hàn Quốc “Nghệ thuật cho không gian sống tốt đẹp hơn”, việc hiến hai mỏ neo cổ cho Bảo tàng Hà Nội của ông Quách Văn Địch.