Bạn đang nuôi... nấm ở 'đó'

TP - Vệ sinh “vùng kín” tưởng chừng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách. Sẽ còn rất nhiều điều khiến bạn ngạc nhiên cho đến khi phải đi khám sản-phụ khoa thì bạn mới ngã ngửa người ra..., nhất là trong ngày hè nóng nực này.
Ảnh minh họa

Bác sĩ có.. nhầm không ạ? Tôi vẫn vệ sinh hàng ngày thì làm sao viêm được!

Mọi người đều nghĩ, viêm phụ khoa chỉ gặp ở những nguời kém hiểu biết, không chịu vệ sinh, những cô gái đứng đường… Và bạn cứ nghĩ mình là công chức, có thu nhập cao, có điều kiện vệ sinh tốt và…. thì không bị viêm.

Sai! Bạn vẫn có thể bị viêm phụ khoa như thường nếu vệ sinh không đúng cách. Thống kê trong một nhóm viên chức có hơn 90% bị viêm âm đạo, cổ tử cung. Trong đó có hơn 50% là viêm nặng và viêm diện rộng.

Dùng khăn lạnh.

Một số chị em có thói quen dùng khăn lạnh sau khi đi vệ sinh. Trong ngày hè nóng nực thì cảm giác dùng một chiếc khăn lạnh thật thoải mái, mát mẻ, sạch sẽ, thơm tho. Đầy tự tin!

Thế thì ai lại dùng một cái khăn khô lau lại nữa bao giờ? Độ ẩm của khăn, mồ hôi của bạn, trong vị trí “rất kín đáo” sẽ tạo cơ hội cho nấm phát triển. Đừng lạ khi thấy ngứa chỗ ấy sau một thời gian dùng khăn lạnh.

Chưa kể đến khăn không đảm bảo vệ sinh thì sạch chỉ là cảm giác, còn thực tế đấy lại là ổ vi khuẩn.

Càng kỹ càng sạch.

Thói quen ở trong nhà tắm cả giờ đồng hồ không phải là hiếm trong chị em. Kỳ cọ, kỳ cọ bên ngoài thôi chưa đủ, nhiều người còn kỹ càng dùng nước xịt rửa sâu vào bên trong.

Nước dùng của mình không đảm bảo vô trùng, trong khi môi trường bên trong lại có cơ chế tự làm sạch. Bạn vô tình giúp vi khuẩn lội ngược dòng.

Đôi khi bạn sẽ không cảm thấy gì cả, hoặc chỉ hơi khó chịu trong vài ngày nhưng cũng qua đi. Thế là ổn??? Nhưng đến khi lập gia đình, vài ba năm chưa có con. Đi khám mới biết bị viêm tắc vòi trứng cả hai bên từ bao giờ.

Phải dùng thêm một loại dung dịch vệ sinh nào đấy.

“Môi trường của chúng ta đang bị ô nhiễm”,  “dịch lại bùng phát”.. những thông tin trên đài báo khiến bạn phải tự bảo vệ mình.

Cảm giác xung quanh luôn đầy rẫy vi khuẩn khiến bạn phải dùng thêm một loại dung dịch vệ sinh nào đấy. Khi bị ngứa, “nó” có mùi hôi. Không vi khuẩn là gì?

Bất biết là cái gì, ra hiệu thuốc:  Cô ơi cho tôi một lọ dung dịch vệ sinh phụ nữ. Về nhà là kì cọ, thụt rửa vài lần. Dung dịch đấy diệt sạch những vi khuẩn Doderlein, thay đổi môi trường pH âm đạo. Bây giờ “nhà bạn không có cửa” vi khuẩn sẽ tự do xâm nhập.

Đấy là khi bình thường bạn cũng dùng thêm dung dịch vệ sinh. Nhưng khi dùng lâu lâu thấy càng rửa càng ngứa có thể bạn đang “nuôi nấm” - nghĩa là bạn bị nhiễm nấm và dùng thêm loại dung dịch có pH thấp sẽ càng làm nấm phát triển.

Lưu giữ hương thơm

Để tự tin hơn một số chị em dùng những sản phẩm có mùi thơm để thụt, rửa và không muốn rửa sạch.

Tâm lý này cũng dễ hiểu. Nhưng chị em không biết rằng các dung dịch thơm đều có dung môi là các chất để hòa tan hương liệu.

Các chất tạo bọt, chất sát khuẩn còn lại trên da sẽ thay đổi pH của da, có thể gây kích ứng, sẩn ngứa.. Cộng thêm các vết gãi sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.

Phòng bệnh

Hàng ngày, bạn chỉ cần dùng nước sạch để vệ sinh, tốt nhất là nước đun sôi để nguội. Rửa sạch sẽ bên ngoài, không cần thụt rửa sâu vào bên trong.

Nếu bên trong có dịch hôi chảy ra hay ngứa thì nên đi bác sĩ khám mà không tự ý đi mua các loại dung dịch sát khuẩn về thụt rửa.

Khi lau rửa nhớ lau từ trước ra sau mà không làm ngược lại. Lau ngược lại sẽ đem vi khuẩn từ hậu môn ngược lên trên.

Dùng khăn sạch lau khô “chỗ ấy” sau khi đi vệ sinh và sau khi tắm rửa. Nên phơi giặt khăn thường xuyên, phơi khô chỗ thoáng gió. Phơi trong nhà tắm lâu ngày có thể làm nấm phát triển. Lúc dùng không phải bạn đang làm sạch mà là đang bôi bẩn.

Tập quen đi khám phụ khoa định kì. Có thể bạn thấy mất thời gian đi khám khi mà mình thấy vẫn ổn. Nhưng đi khám bệnh định kỳ kể cả khi bạn vẫn thấy khỏe mạnh sẽ giúp bạn phát hiện sớm nhiều bệnh, lúc đấy việc điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều.