Bài thơ bóng đá

TP - Xem bóng đá mà xuất khẩu thành thơ, hoặc chính họ cũng là một bài thơ…
Vẻ suy sụp của cầu thủ Jordan hôm 20/1

1/Tối 20/1 khi trận đấu giữa Việt Nam và Jordan còn chưa ngã ngũ, đang hòa 1 đều, nhà báo nhà thơ Trần Tuấn (“Ma thuật ngón”) viết trên FB cá nhân: “Hãy nhảy múa cùng phần thưởng của thượng đế đi các chàng trai, có gì đâu hơn thua được mất”.

Là vì khán giả như anh hoàn toàn hài lòng, mãn nhãn trước vũ điệu, cuộc chơi nghệ thuật của những chiến binh sao vàng, đến nỗi tỉ số không còn quá quan trọng. Còn khán giả như tôi, hôm sau xem lại trận đấu này vẫn thấy cảm khái với những cú giật gót của Phan Văn Đức, cướp bóng dẻo dính của Quang Hải, tung người móc bóng hoặc chuyền như dọn cỗ của Trọng Hoàng, “quẩy” như Công Phượng…Cho nên thấy chữ “nhảy múa” của nhà thơ Trần Tuấn vừa có nghĩa đen vừa nghĩa bóng là vậy.

Hình ảnh truyền cảm hứng suốt mấy ngày qua
Giữa trận, bình luận viên Khắc Cường người tường thuật trận đấu, mô tả: “Cánh phải của Trọng Hoàng và cánh trái của Đoàn Văn Hậu làm nên đôi cánh tuyệt vời cho tuyển Việt Nam”. Anh cũng đang làm thơ đấy. Có điều tôi vẫn hơi nhột, hay bị nhột, lo lắng khi một số đồng nghiệp của anh hay chốt hạ sớm và tung hơi nhiều mỹ tự mà không để dành đến cuối trận.  “Hòa thượng thích khái quát” sớm quá, dễ bị sái. 

Bình luận viên Tạ Biên Cương cũng xuất khẩu thành thơ khi thổn thức tường thuật bối cảnh trận mạc của tuyển Việt Nam- “từ Thường Châu tuyết trắng đến UAE đầy nắng”. Giờ này năm ngoái anh có lập ngôn “cầu vồng trong tuyết” tả cú sút phạt của Quang Hải, được cả nước tin dùng theo. Thường cứ tuyển Việt Nam đá vào là anh lại khóc. Hôm đá nốc-ao, anh mấy phen được khóc. Một là lúc Công Phượng ghi bàn phút 51, hai là lúc Bùi Tiến Dũng kết liễu xong Jordan bèn giơ tay chào kiểu nhà binh. Tạ Biên Cương gào lên, nức nở “Xin chào Bùi Tiến Dũng! Xin chào Việt Nam!”. Hihi mau nước mắt và phản xạ quá nhanh.

Đôi mắt tuyệt đẹp của một cổ động viên nhí Jordan với nỗi buồn thua trận. Đẹp như một câu thơ

Một giọt nước mắt bóng đá long lanh tựa bài thơ nữa, là của nhà báo nhà thơ Văn Công Hùng. Anh viết dòng trạng thái ngắn ngủi trên FB: “Để đây và không nói gì, khóc đã” khi trận đấu tuyệt vời đó kết thúc. Nhà báo Nguyễn Thông cũng một câu gọn lỏn, nghiêm túc mà như đùa: “Nói không quá đáng, lúc này cả nước hy vọng trông chờ vào thầy phù thủy Park Hang-seo chứ không phải ông bà nào khác. Cuộc đời có lúc tàn nhẫn như vậy đấy”.

2/Năm ngoái trong một bài mua vui cho bạn đọc nhân bầu không khí bóng bánh, tôi từng viết rằng nếu chỉ xem phim Việt Nam mà không xem bóng đá, hòa mình vào không khí bóng đá thì cứ ngỡ người Việt nhạt nhẽo vô duyên lắm.

Trận Việt Nam đá với Iran, pha quay chậm sau đó cho thấy Đức Huy không những va chạm nặng với cầu thủ bạn mà còn ngã đập đầu xuống đất rất mạnh nên bị mất trí nhớ tạm thời. Hôm sau anh đăng một clip hài hước vận trang phục dân tộc nước chủ nhà và tự gọi mình là “nhà vua trở về” (có lẽ nhại tên một tập của bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn là: Sự trở về của nhà vua). Đức Huy vốn có biệt danh “Hoàng tử Ả rập” nay lại “đóng” cảnh này. Lập tức có fan bình luận trên diễn đàn Troll bóng đá: “Khéo mai ra sân lại đòi ghi bàn cho Yemen”. Câu này chỉ nháy mắt đã nhận được hàng nghìn lượt “thích” bởi quá hóm, ám chỉ ngoại hình mới- kiểuTrung Đông của Đức Huy và cả ám chỉ căn bệnh mất trí nhớ tạm thời của anh.

Trận Oman- Turmenistan và Lebanon- Triều Tiên bi hài tột độ, vẫn là fan bàn tán trên một diễn đàn: “Đá như Lào gặp Cam” (Campuchia), “Hai bố con tôi ngồi xem mà cười đau bụng, hài Trường Giang Trấn Thành cũng không hài bằng trận này”, “Trong khi dân Triều Tiên theo múi giờ châu Á đã ngủ thẳng cẳng thì anh em Việt Nam mắt mở thao láo đồng hành tuyển của họ. Đùa nhau đến phút chót thế này”, “Ai có bình oxy quăng mượn cái, đau tim vãi”, “Cầu thủ Triều Tiên rất biết cách biến trận đấu vô thưởng vô phạt thành cuộc tra tấn thần kinh đối với cầu thủ, cổ động viên Lebanon và cả Việt Nam”, “Xem 10 phút đầu không hiểu sao họ thua tới 6 bàn một trận (trước đó) nhưng chỉ 5 phút nữa là hiểu”, “Hại não hại tim, như xem bộ phim hành động bom tấn nghẹt thở”. Vân vân. Người anh em Turmenistan được fan Việt hết lòng cổ động, tan trận bị gọi là “anh em cây khế” tức là tưởng giúp nhau hóa hại nhau, “mình cổ động họ hết lòng mà họ làm mình hết hồn”. Hihi.

Còn đây là đoạn thoại ăn theo truyện Lão Hạc của Nam Cao: “Thái Lan đi đời rồi ông giáo ạ” “Thua rồi à?” “Thua  rồi, vừa thua Trung Quốc xong” “Thế Quang Hải Thái nó không gánh team à” (“Quang Hải Thái” tức Chanathip-PV)” “Khốn nạn, nó có biết gì đâu. Nó có bóng giữa sân loay hoay lại mất” “Khốn nạn. Ông giáo ơi-Lão òa lên- Thái nó gọi hết các cầu thủ chất lượng nhất về đá giải này cơ mà. Nó thấy Việt Nam vào tứ kết cũng đòi theo cơ mà, còn hẹn mình ở bán kết hoặc chung kết để xem ai mới là vua ASEAN-Vẻ mặt lão thoáng thay đổi, mắt nhắm nghiền quát lớn- Thế Việt Nam lại phải gánh team cho cả Đông Nam Á à!”.

Fan bóng đá Việt, họ là những người không chỉ yêu mến và bình luận suông. Tôi không biết trong các cuộc bình chọn qua mạng của AFC thì vote của cổ động viên được tính 100% hay là phải có cả hội đồng chuyên môn nữa. Nếu chỉ căn cứ nút vote thì thua Việt Nam hết! Chọn “cầu thủ được yêu thích nhất”, Quang Hải nhà ta áp đảo đã đành mà các cuộc khác như: cầu thủ hay nhất, bàn thắng đẹp nhất, thì fan các nước “tuổi gì” mà đọ fan Việt! Hồi  AFF Cup, Phan Văn Đức được chọn “bàn thắng đẹp nhất giải” cũng bởi tình yêu của anh hùng bàn phím Việt chứ đâu. Ngoài tình yêu còn là sự tri ân, như có người viết, đợt này: “Họ đã cống hiến cho chúng ta trên sân thì chúng ta hãy cống hiến cho họ bằng bàn phím nhé”. 
Tình yêu bóng đá và không chỉ bóng đá đã trở thành suối nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều con người một lúc, như vậy đấy. 

3/Hôm 20/1 tôi với con gái định ra phố sách Bờ Hồ vì là Chủ nhật- mở phố đi bộ, sau đó xem trận Việt Nam-Jordan ở phố cổ luôn, kiếm cái quán náo nhiệt nào đó. Nhưng suy đi tính lại mình thuộc loại “trâu bạc”, kinh nghiệm xương máu từ thập kỉ 90 thế kỉ trước, đó là âm thầm xem ở nhà thì đội nhà còn có cơ chứ ra nơi đông đúc được cái không khí nhưng đội nhà dễ đen. Thế là đành ngồi nhà, lại quấn chăn ngồi thu lu trước màn hình mà run cầm cập vì hồi hộp, sau đó thì khỏi nói, hỉ hả đến đâu.

Tự bao giờ, mẹ con chúng tôi cũng như thể các chuyên gia đọc trận đấu (!) Bình luận viên hoặc danh thủ khách mời vừa nói nửa câu thì mình nhanh nhảu nói nốt nửa còn lại, 
trúng phóc. 

Đợt này mới đầu chỉ định xem các trận có đội nhà vì đến EURO còn thờ ơ nữa là, nhưng rồi mấy khi có dịp cận cảnh những gương mặt cầu thủ và cổ động viên các nước cùng châu lục, để thấy ví dụ: sao thượng đế ưu ái ưu ái dân một số nước Tây Á thế, ban cho họ vẻ đẹp như tượng tạc, nhìn mà thèm. 

Ngày khó quên 17/1, xem xong trận Turmenistan-Oman khốn khổ, tôi nói với con “Mẹ phải xem cả trận sau, Lebanon-Triều Tiên để đồng hành với fan, hiểu được cảm xúc của họ”, nó ngắt lời “Mẹ cũng là fan đứt đuôi rồi còn thanh minh gì nữa”. 
Cũng là bài thơ bóng đá đấy, phải không. Mình chẳng còn là mình ngày thường mà cũng cung bậc ngả nghiêng đến thế.

Biền ngẫu và luận chứng của fan bóng đá

“Nhìn cầu thủ Jordan gục xuống sân mắt nhòa lệ, tất cả đều gục, mới thấy chiến thắng này giá trị thế nào. Thấy HLV Thái Lan, Ấn Độ, Ả rập Xê út khăn gói quả mướp ra đi, mới hiểu chúng ta may mắn thế nào khi có ông Park. Thời vận đã khác, những chiến binh đã được khai nhãn, mở hết huyệt đạo để giải phóng nguồn sức mạnh kinh khủng khiếp hoảng hốt, còn chờ đợi gì mà không ăn gỏi cả châu Á hehe”.
Facebooker VIỆT HOÀNG