Ảnh tư liệu (Tuấn Minh chụp lại)
Tháng 9/1961, Hội Sinh viên quốc tế, T.Ư Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế tại Hà Nội, bàn về các vấn đề đặt ra cho sinh viên. Thời điểm đó, miền Bắc như đang tràn đầy sức Xuân, kinh tế-xã hội trên đà phát triển nhanh và đang tập trung cho chiến trường miền Nam.
Tham dự Hội nghị có đại biểu sinh viên của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều đại biểu sinh viên châu Phi, Mỹ Latinh và Liên Xô. Hội nghị diễn ra tại Câu lạc bộ Ba Đình trên phố Hoàng Diệu. Vào ngày làm việc thứ hai của Hội nghị thì Bác đến nói chuyện.
Sau phần mở đầu ngắn gọn, Bác giới thiệu về tình hình mới trong phát triển của Việt Nam: “Năm 1939, xứ Đông Dương chỉ có 580 sinh viên đại học, đến năm 1960-1961 riêng miền Bắc có 13.600 sinh viên trong nước và 4.000 sinh viên gửi đi học tập tại nước ngoài”.
Bác cũng nhấn mạnh những nét nổi bật của tình hình thế giới, nhất là khi các dân tộc bị áp bức ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh đang đứng lên đấu tranh, thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Bác vạch trần bộ mặt thật của bè lũ thực dân khi tại châu Phi có đến 80% người dân mù chữ, ở Hai-i-ti (Mỹ Latinh) là trên 80%.
Về nhiệm vụ của sinh viên, Bác chỉ rõ là phải tham gia phát triển giáo dục, trước hết là xóa nạn mù chữ, thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận. Chủ nghĩa đế quốc thực dân không bao giờ ban ơn cho ai cả, giá trị của độc lập tự do là rất đắt.
Muốn đấu tranh thì phải biết tổ chức lực lượng, phải đoàn kết và có ý chí. Bác mong thanh niên sẽ là lớp người thực hiện những ước mơ của loài người từ bao thế kỷ nay về hạnh phúc, về độc lập, tự do...
Phong cách gần gũi, giản dị, cách nói chuyện giàu sức thuyết phục, dí dỏm của vị Chủ tịch nước đã tạo ra sức thuyết phục lớn với Hội nghị. Nhiều tràng vỗ tay vang lên. “Đó là những lời tâm sự của người thanh niên già đã có một ít kinh nghiệm thật thà bày tỏ với các bạn thanh niên yêu quý của tôi”-Hồ Chủ tịch nói.
Ngay sau buổi nói chuyện, rất nhiều sinh viên quốc tế đề nghị được gặp Bác, được trao đổi trực tiếp với Bác về những câu chuyện riêng của mình. Ban tổ chức Hội nghị đã chuyển đề nghị của đại biểu đến với Bác và Bác đã nhận lời!
Một ngày sau đó, cuộc gặp lần thứ hai diễn ra ở ngoài vườn ngay sát nhà sàn của Bác có khoảng trên 20 người dự gồm đại diện của sinh viên Liên Xô, Trung Quốc và chủ yếu là đại biểu của châu Phi và Mỹ Latinh.
Một điểm bất ngờ của cuộc gặp là mặc dù Ban tổ chức bố trí phiên dịch của nhiều thứ tiếng đi theo nhưng gần như bị “thất nghiệp”. Khả năng ngoại ngữ của Bác khiến không ít sinh viên quốc tế hết sức khâm phục. Buổi gặp được mở đầu với phần trao đổi trực tiếp bằng tiếng Nga của Bác với đại biểu Liên Xô.
Bác kể về những địa danh cách mạng nổi tiếng ở Matxcơva mà Người đã từng đến: “Khách sạn Luych-xơ trên đường Tơ-vét-skai-a nay là khách sạn gì nhỉ?”. Đại biểu sinh viên Liên Xô trả lời: “Thưa, khách sạn Xen-trai-a ạ”. Bác gật đầu vui vẻ cho biết đó là nơi đã đào tạo nhiều vị lãnh đạo của thế giới. Bác lại quay ra hỏi đại biểu sinh viên châu Phi bằng tiếng Pháp: “Bạn từ đâu đến?”.
Sinh viên châu Phi trả lời: “Cháu từ Ghi-nê đến đây ạ”. Bác liền kể lại câu chuyện khi Người đến một bến cảng ở Ghi-nê, khi đó sóng biển dâng lên rất to. “Bác thấy cảnh những công nhân người da đen nhảy xuống biển bơi ra ngoài xa để bốc hàng từ tàu lớn qua tàu nhỏ. Họ làm việc hết sức khổ cực và nguy hiểm. Trong số những người bốc vác nghèo khổ ấy, nhiều người đã không bao giờ quay được lên bờ nữa!”.
Một phút lặng đi. Mấy nữ sinh viên da đen không cầm được nước mắt.
Một sinh viên Mỹ Latinh hỏi Bác: “Làm sao để người cách mạng luôn giữ vững tinh thần?”. Bác chỉ vào nhóm sinh viên Việt Nam cười rồi nói bằng tiếng Anh: “Các bạn của cháu đây, có người đã qua đấu tranh gian khổ trong kháng chiến. Muốn giữ vững tinh thần cách mạng trước hết phải nuôi dưỡng lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, phải biết đoàn kết nhau lại để có sức mạnh”.
Xuất bản sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức,
giáo dục thanh niên”
|
Với trên 420 trang in gồm 4 phần, 10 chương, tác giả đã trình bày có hệ thống và bao quát những vấn đề chủ yếu cơ bản nhất trong tư tưởng của Bác Hồ về tổ chức, giáo dục thanh niên.
Văn Tùng là tác giả của 45 đầu sách về nghiên cứu lịch sử, chính trị xã hội và sáng tác văn học dành cho tuổi trẻ đã được nhận nhiều giải thưởng cao quý. Ông cũng là tác giả của bộ sách gồm 8 cuốn với trên 2.000 trang viết về nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên, công tác thanh niên đã xuất bản, tái bản nhiều lần. Tuấn Minh
Minh Tuấn
(Lược ghi theo tư liệu của nhà nghiên cứu lịch sử Văn Tùng)