APPF - 13: Thông qua 22 Nghị quyết và Thông cáo chung

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả, Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13 (APPF – 13) kết thúc thắng lợi tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ký Thông cáo chung

Hội nghị đã thông qua 22 nghị quyết chuyên đề quan trọng về các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, hợp tác cảnh báo sớm thiên tai và giải quyết hậu quả thiên tai gây ra, những vấn đề thuộc mối quan tâm chung như môi trường, bệnh dịch, tội phạm xuyên quốc gia...

Nước chủ nhà Việt Nam trong vai trò Chủ tịch luân phiên của APPF bàn giao chức Chủ tịch APPF – 14 cho Indonesia. Đại diện các nghị viện các khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, khu vực Thái Bình Dương, châu Mỹ đã phát biểu đánh giá cao vai trò tổ chức hội nghị thành công và sự mến khách của Quốc hội và nhân dân Việt Nam.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đồng thời là Chủ tịch APPF – 13 khẳng định Hội nghị đã hoàn thành tốt đẹp những vấn đề đặt ra trong chương trình nghị sự.

Tại Hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam không chỉ đưa ra sáng kiến dành một phiên họp toàn thể đầu tiên bàn về thảm họa thiên tai động đất, sóng thần mà còn cùng với Nhật Bản và Indonesia soạn thảo nghị quyết về sự hợp tác khu vực cảnh báo sớm động đất, sóng thần và giúp nhau vượt qua hậu quả thiên tai.

Chủ tịch Nguyễn Văn An cho rằng tại Hội nghị APPF – 13, các cuộc thảo luận, trao đổi về những mối quan tâm chung là những cơ hội để các thành viên hiểu biết thấu đáo, toàn diện hơn về những vấn đề hiện nay của khu vực.

Chủ tịch Nguyễn Văn An khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ hợp tác tích cực cùng với nghị viện các nước nhằm làm cho các khuyến nghị, nghị quyết của APPF – 13 biến thành hành động cụ thể.

Trước khi kết thúc hội nghị, các trưởng đoàn đã ký bản Thông cáo chung về Hội nghị APPF – 13 bao gồm 27 điểm trong đó cho rằng: Tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhưng khu vực châu Á - TBD vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Hòa bình và an ninh ở khu vực gắn chặt với tiến trình hợp tác và phát triển bền vững của các nước thành viên. Các nước thành viên cần tăng cường hợp tác để sớm loại trừ những nguyên nhân gây mất ổn định trong khu vực.

Về chủ đề kinh tế, thương mại, Thông cáo chung nhấn mạnh sự thịnh vượng của mỗi quốc gia thành viên sẽ góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững của cả khu vực và trên thế giới. Quốc hội mỗi quốc gia thành viên cần đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, gắn thương mại với phát triển bền vững, thúc đẩy vòng đàm phán Doha vì một nền thương mại lành mạnh trên toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa cần tôn trọng sự khác biệt về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đồng thời mong muốn Việt Nam gia nhập WTO càng sớm càng tốt.