Ai trục lợi vỉa hè Hà Nội?

TP - Mặc dù Hà Nội đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh cảnh quan văn minh đô thị nhưng tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc cho người dân. Cơ quan chức năng “bó tay”, vậy ai là người được hưởng lợi từ tình trạng bát nháo này?
Cảnh buôn bán hết sức nhếch nhác tại nhiều tuyến phố văn minh thương mại như Hàng Đào - Đồng XuâN. Ảnh: MT

Bài 1: Vỉa hè thành… quán nhậu, chợ cóc

Năm 2015, Hà Nội tiếp tục đặt trọng tâm thực hiện năm văn minh đô thị. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, thực trạng quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè đang rất nhức nhối bởi các vi phạm tràn lan, nghiêm trọng ngay tại các tuyến phố trung tâm…

Tràn lan vi phạm


Một vòng qua các tuyến phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình… chúng tôi chứng kiến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra rất phổ biến. Ngay trên tuyến phố Hàng Đào-Đồng Xuân-Hàng Mã, một trong những tuyến phố trọng điểm về du lịch, hầu hết diện tích vỉa hè đã biến thành nơi bày bán đủ loại hàng hóa như quần áo, giày dép, ví da, mỹ phẩm, hàng mã đủ loại. Nhiều biển hiệu xả hàng, khuyến mại, giảm giá tràn cả xuống lòng đường nhìn rất chướng mắt. Do hàng bày bán trên vỉa hè nên người mua hàng thường dừng xe ngay trên lòng đường mua bán, mặc cả, khiến tuyến phố cổ này nhiều khi ùn tắc. 

Tiếng chào mời, mặc cả, thậm chí cãi cọ nhau gần như biến nhiều tuyến phố cổ thành một khu chợ dân sinh khổng lồ. Không chỉ có đồ lưu niệm, tại đây còn bày bán đủ loại hàng như nhiều chợ cóc khác. Tại số 1 Hàng Mã, chủ cửa hàng bán đồ ví da, túi xách không chỉ chiếm toàn bộ vỉa hè còn kê thêm thùng xốp to tướng xuống lòng đường để người đi đường không va vào quầy hàng.

Điều ngạc nhiên, trong khi nhóm PV Tiền Phong đi thu thập thông tin đã chứng kiến chiếc xe ô tô của công an phường (BKS 29A.013.25) đi lại chở nhiều công an và trật tự viên không xử lý trường hợp vi phạm nào trên dọc các tuyến này. Theo quan sát của nhóm PV, ngay cả khi các trật tự viên và công an đi qua, những người bán hàng lấn chiếm vỉa hè cũng chẳng mảy may quan tâm hoặc tỏ ra lo sợ. 

Trước đó, trên tuyến phố Hàng Mã ngày giáp Tết Nguyên đán 2015, PV Tiền Phong chứng kiến tình trạng thờ ơ của lực lượng chức năng tại đây. Hai bên vỉa hè xếp kín hàng hóa. Hàng mã đủ loại kê dưới đất, treo trên đầu, buộc vào thân cây không theo một trật tự nào. Trong khi đó ngay tại tấm biển chắn nơi ngã tư phố Hàng Mã-Đồng Xuân, một trật tự viên và 1 cán bộ công an phường vui vẻ tán gẫu, xem điện thoại. Quanh khu vực chợ Đồng Xuân gần như không còn hở lấy vài mét vuông vỉa hè do lấn chiếm, nhiều đoàn khách du lịch đến khu phố cổ chỉ còn cách đi xuống lòng đường. Tại các tuyến phố xa trung tâm phố cổ hơn như Bà Triệu, Phố Huế, Nhà Thờ, Phủ Doãn, Quán Sứ… cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Quán nhậu trên… vỉa hè

Không dừng lại ở việc bày ra dãy bàn uống bia ngay trên vỉa hè, một số khách sạn trên phố Lý Thường Kiệt từ lâu đã cải tạo, xây dựng lại trái phép, tổ chức kinh doanh ăn uống thâu đêm suốt sáng. Một số nhà hàng mái che bằng kính đã nhô ra chiếm vỉa hè tới gần 2m.

“Khu nhà hàng này đã tồn tại 3 đến 4 năm nay. Vi phạm ai cũng biết cả, ấy vậy mà không hiểu những nhà hàng lấn chiếm lòng đường vỉa hè phố Lý Thường Kiệt có quan hệ thế nào với chính quyền, với công an mà lại được lờ đi?”- ông Lê Anh Minh, cư dân ở phố Lý Thường Kiệt bức xúc nói.

Giải thích về tình trạng này, ông Trần Thế Lợi - Đội phó Đội Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết, trước đây theo quy định việc cải tạo mặt tiền các công trình trên các tuyến phố như Lý Thường Kiệt là do Sở Xây dựng cấp phép, còn hiện được phân công cho quận, huyện cấp phép quản lý.

“Việc cải tạo, sửa chữa đối với chủ công trình ở mặt tiền phố Lý Thường Kiệt theo quy định bắt buộc phải xin phép. Qua báo cáo của cán bộ địa bàn, những vi phạm của chủ công trình đã được chính quyền sở tại mời lên làm việc để xử lý theo quy định”, ông Lợi cho biết. Trong khi đó đại diện UBND phường Hàng Bài lại cho rằng, chủ một công trình trên phố Lý Thường Kiệt cải tạo, sửa chữa mặt tiền của công trình là nằm trong khuôn viên, chỉ giới của nhà hàng này!?

Tại nhiều tuyến phố trung tâm, ngay sát với trụ sở UBND các quận, phường, chúng tôi đều tận thấy tình trạng nhà hàng, khách sạn biến vỉa hè thành nơi kinh doanh, quán nhậu, cà phê. Nhất là khi sau giờ hành chính, tại nhiều tuyến phố, bia hơi, quán nhậu, chân gà nướng… được dịp tràn xuống vỉa hè.

Điển hình như nhà hàng Mondo 30A Bà Triệu đối diện quận ủy Hoàn Kiếm, cả dãy nhà hàng cà phê dọc phố Thái Phiên đối diện Trung tâm thương mại Vincom, nhà hàng tại 75 Lý Thường Kiệt. Tại các tuyến Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch, đường Kim Liên mới, Cầu Giấy, Trần Thái Tông, Trần Duy Hưng….tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng cực kỳ nhức nhối.

(còn nữa)