Đối tác mang tên châu Á - Thái Bình Dương, nhằm mục đích cắt giảm ô nhiễm không khí từng gây biến đổi khí hậu trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại Viêng Chăn bên lề Diễn đàn An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellic cho biết, các bên đối tác này coi Hiệp định nói trên không phải là sự thay thế Nghị định thư Kyoto mà đúng hơn chỉ là sự bổ sung cho Nghị định thư.
Các đối tác châu Á Thái Bình Dương về phát triển và khí hậu cam kết sẽ tạo ra công nghệ sạch hơn cho các nền kinh tế đói năng lượng như Trung Quốc, Ấn Độ. Đây là sáng kiến nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng lâu dài đồng thời làm giảm bớt gây ô nhiễm môi trường, giải quyết được các vấn đề về biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đều thống nhất nhận định rằng các chất thải công nghiệp như khí CO2 và 5 loại khí khác là nguyên nhân chủ yếu làm cho trái đất nóng lên, dẫn đến việc thay đổi khí hậu toàn cầu.
Hiệp định thư Kyoto được thông qua hồi năm 1997 đã được 140 quốc gia phê chuẩn đồng thời cam kết tự nguyện cắt giảm khí thải độc hại ra môi trường.
Tuy nhiên, đến nay, Mỹ là quốc gia gây ô nhiễm không khí lớn nhất thế giới cùng với Australia chưa chịu phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Washington và Canberra cho rằng việc tuân thủ các nội dung của bản Nghị định thư Kyoto sẽ gây phương hại đến nền kinh tế của nước họ.
Nếu áp dụng các công nghệ sạch, những nước này sẽ phải đóng cửa hàng loạt nhà máy công nghệ cũ và điều đó sẽ gây ra tỷ lệ thất nghiệp lớn. Các nước gây ô nhiễm không khí lớn khác trên thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ cũng chưa chịu phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vì cho rằng là nước đang phát triển nên gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Môi trường Australia Ian Campbell cho biết, Canberra và Washington đã bí mật thảo luận về hiệp định đối tác nói trên trong 12 tháng qua với các quốc gia có mức thải 40% khí độc ra môi trường. Họ đã ký thỏa thuận tại Honolulu giữa các bên trong cuộc đàm phán bí mật hôm 20 – 21/6 vừa qua.
Nội dung chính của Hiệp định nói rằng 6 quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ấn Độ, và Australia sẽ hợp tác với nhau để chế tạo công nghệ sử dụng than sạch, khí đốt hóa lỏng, khí mêtan, điện hạt nhân hòa bình, điện địa nhiệt, hệ thống năng lượng nông thôn, điện mặt trời, phát điện bằng sức gió, năng lượng sinh học, thế hệ mới công nghệ điện từ va đập hạt nhân.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cho rằng Hiệp định này thực hiện trên cơ sở tự nguyện, không có chế tài bắt buộc nên sẽ không thực tế và kém hiệu quả.
Bà Catherine Pearce – một nhà hoạt động môi trường ở London nghi ngờ tính khả thi của Hiệp định đối tác của 6 quốc gia này. Bà cho rằng đây chẳng qua chỉ là một âm mưu mới của Mỹ và Australia nhằm trì hoãn việc phê chuẩn Nghị định thư Kyoto mà thôi.
Nghị định thư Kyoto yêu cầu bắt buộc 35 quốc gia phải cắt giảm khí thải hiệu ứng nhà kính trung bình 5% mỗi năm. Hiệu ứng nhà kính, khí thải công nghiệp đã làm cho nhiệt độ trái đất tăng lên 1độ C trong thế kỷ 20, dẫn đến việc khí hậu thay đổi, bất lợi cho cuộc sống và mực nước biển dâng cao.