50.000 USD nhiều hay ít?

TP - Đây là số tiền theo tính toán ngành thể thao đã chi cho chuyến tập huấn kéo dài 17 tháng tại Bulgary của VĐV Trần Lê Quốc Toàn, niềm hy vọng lớn nhất của TTVN ở Thế vận hội Olympic London 2012. Quốc Toàn chỉ đứng hạng bốn.

> Huỳnh Châu nên thi đấu hạng cân cao hơn

Taekwondo VN (trong ảnh là võ sỹ Diệu Linh, phải) được cho là đã được đầu tư khoảng 200.000 USD nhưng đổi lại là thất bại nặng nề tại Olympic London 2012. Ảnh: Quang Thắng.

Con số cụ thể có thể trên hoặc dưới một chút. Tuy nhiên, Quốc Toàn vẫn là VĐV nhận được nhiều ưu ái nhất (ở góc độ tài chính) trong số 18 VĐV giành vé chính thức tham dự Olympic.

Để phục vụ cho chuyến tập huấn trên, ngoài Quốc Toàn, bộ môn cử tạ còn phải cử thêm trợ lý ngôn ngữ, VĐV tập cùng để tạo không khí…

Cá biệt như hai võ sỹ Taekwondo Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh, số tiền đầu tư được thông báo là 200.000 USD do nhận được tài trợ của một doanh nghiệp Hàn Quốc.

Một môn khác là bơi lội, cộng cả của địa phương và ngành, chi phí để hai kình ngư Ánh Viên, Quý Phước tập huấn tại Mỹ, con số cũng không hề nhỏ.

Trên thực tế, sau cử tạ, thì bắn súng, Taekwondo và TDDC là 3 môn được lãnh đạo ngành thể thao đặt nhiều kỳ vọng. Quá trình chuẩn bị của VĐV các môn trên vì vậy cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Trừ trường hợp của Phan Thị Hà Thanh do sự cố bất khả kháng, các VĐV còn lại đều được tập huấn nước ngoài, tham gia các giải thi đấu trước thềm Olympic.

Nếu so với mức độ đầu tư của nhiều quốc gia khác, đây là số tiền khá khiêm tốn. Tờ Sydney Morning Hereal vừa qua cho biết, Australia đã phải chi 310 triệu USD cho chiến dịch Olympic.

Vị chi với 35 huy chương (7 HCV, 16 HCB, 12 HCĐ), mỗi chiếc huy chương của các VĐV Australia tốn khoảng gần 10 triệu USD.

Đây được coi là kỳ Olympic thất bại của Australia và báo chí nước này đã chỉ trích ngành thể thao rất nhiều.

Trong khu vực ĐNA, Singapore treo thưởng hơn 700.000 USD cho VĐV đoạt HCV. Philippines với nền thể thao kém hơn VN là hơn 340.000 USD. Con số này của Thái Lan là 300.000 USD.

Có thể tin mức độ đầu tư cho Thế vận hội của các quốc gia này cũng không thấp, nếu so với VN.

Vấn đề đáng bàn là, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, ngành thể thao lại không thực sự biết tiết kiệm, thể hiện qua những hạng mục đầu tư thiếu hiệu quả. Câu chuyện của bộ môn điền kinh là một ví dụ điển hình.

Được biết ngân sách dành cho điền kinh trong năm 2012 khoảng 165.000 USD, dành cho tất cả hoạt động tập huấn, thi đấu. Riêng cho Olympic khoảng trên dưới 50.000 USD.

Khi lên danh sách các VĐV nằm trong nhóm đầu tư trọng điểm, đã có ý kiến chuyên môn bày tỏ lo lắng, hai VĐV Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng khó có khả năng đạt chuẩn.

Tuy nhiên, trước thông tin Vũ Thị Hương có thể không được vào danh sách đầu tư, ý kiến này đã vấp phải rất nhiều phản ứng từ phía HLV của Vũ Thị Hương cũng như những nhà chuyên môn khác.

Trên thực tế, dù tốn khá nhiều tiền đầu tư, nhưng cả Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương đều không đạt chuẩn Olympic.

Phong độ của Vũ Thị Hương thậm chí liên tục đi xuống. Ngược lại, Thanh Phúc và Việt Anh, hai VĐV không được đặt nhiều kỳ vọng, lại giành vé.

Ở đây, rõ ràng đầu tư bao nhiêu không quan trọng bằng cách đầu tư.

Theo Báo giấy