12 dự án thua lỗ: Bán chứ không 'ôm'

TP - Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.  

Theo Bộ Công Thương, đến ngày 31/8, trong tổng số 66 nhiệm vụ phải hoàn thành năm 2017 và 2018, đã có 41 nhiệm vụ hoàn thành, còn 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn. Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ, đến nay đã có 2 nhà máy bước đầu có lãi. 

Cụ thể, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng có lợi nhuận ước đạt 147 tỷ đồng; nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận ước đạt 527 tỷ đồng. Bốn dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, như nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 210 tỷ đồng; nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 324 tỷ đồng so với cùng kỳ...

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất, kinh doanh, đến nay, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament; 2 dự án còn lại đã chuẩn bị xong phương án khởi động lại nhà máy, hiện đang chọn thời điểm giá nguyên liệu thuận lợi. Đó là Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Theo Bộ Công Thương, khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là tranh chấp tại các hợp đồng EPC của một số dự án chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến chưa thể quyết toán được hợp đồng EPC của nhiều dự án. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tư pháp trong quý IV chủ trì phối hợp Bộ Xây dựng, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, cùng lãnh đạo 4 tập đoàn, tổng công ty tổng hợp, rà soát các vướng mắc về pháp lý để tư vấn cho Ban chỉ đạo, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khác định hướng xử lý các vướng mắc. Đây được coi là giải pháp trọng tâm nhất.

Cùng với đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát các kiến nghị vượt thẩm quyền của các tập đoàn, tổng công ty về bán tài sản khấu hao; giải quyết theo thẩm quyền cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở một số dự án yếu kém, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đánh giá thuế xuất khẩu phân bón, thuế nhập khẩu thạch cao...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi các nhà máy này “lên được mặt đất”, có hoạt động, có sản phẩm, có lợi nhuận thì nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hoá hoặc bán chứ không ôm lấy mà tái cơ cấu nữa.