12 dự án giao thông khởi công ngay quý I/2025

TPO - Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải  (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết, ngay trong quý I/2025, nhiều dự án giao thông trọng điểm sẽ được khởi công.

Theo Bộ trưởng, ngành giao thông sẽ phấn đấu khởi công 19 dự án (14 dự án do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, 5 dự án do địa phương là cơ quan chủ quản) trong năm 2025.

Trong đó 12 dự án giao thông sẽ được khởi công ngay trong quý I/2025, bao gồm 6 dự án sử dụng ngân sách Nhà nước như: Xây dựng hệ thống thông tin và kết cấu hạ tầng hàng không; cầu đường sắt Cẩm Lý (Bắc Giang); nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; đầu tư tuyến nối tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; tuyến đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

3 dự án dùng ngân sách địa phương và nhà đầu tư gồm: Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Ninh Bình); dự án đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Thái Bình, Nam Định); dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

1 dự án đầu tư theo hình thức PPP là dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; 1 dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA là dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; 1 dự án sử dụng vốn nhà đầu tư là dự án đường cao tốc TP. HCM - Chơn Thành (qua Bình Dương).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: Lộc Liên

Bước sang quý II/2025, sẽ có 5 dự án giao thông được khởi công, gồm 3 dự án sử dụng ngân sách Nhà nước là: xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý Nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam; dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn; dự án mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên. Còn 2 dự án sử dụng vốn ODA là: dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (Giai đoạn 2) và dự án xây dựng cầu Ninh Cường trên Quốc lộ 37B.

Còn quý II và quý IV/2025, Bộ GTVT dự kiến khởi công thêm 1 dự án sử dụng ngân sách Nhà nước là dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24B đoạn Km23 - Km29. Tính chung, cả 12 dự án sẽ khởi công trong năm 2025 có tổng chiều dài 629km.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, trong năm tới ngành giao thông cần hoàn thành các dự án thành phần, nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Cùng với các địa phương hoàn thành một số dự án đường bộ cao tốc như: Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Liên - Túy Loan, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hoà - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 TP HCM, An Hữu - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi... để hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc. Cơ bản hoàn thành để nối thông đường Hồ Chí Minh và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Khẩn trương triển khai đầu tư hệ thống giám sát điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc để đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành trong quý II/2025.

Ngành giao thông sẽ phấn đấu khởi công 19 dự án. Ảnh minh họa

Đối với lĩnh vực đường sắt, Tư lệnh ngành giao thông cho biết Bộ sẽ tập trung triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó tập trung xây dựng Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị định hướng dẫn các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch chi tiết 2 tuyến đường sắt là Hà Nội - Đồng Đăng và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái; nghiên cứu các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia gồm: TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm.

Tập trung hoàn thiện các thủ tục để khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào cuối năm 2025. Khẩn trương rà soát và tổ chức triển khai thực hiện các Dự án đang dừng, chậm tiến độ để phòng, chống lãng phí, đặc biệt là Dự án Hà Nội - Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân; dự án hiện đại hóa Trung tâm điều hành vận tải đường sắt (OCC).