Khi những tên khủng bố đâm hai máy bay chở khách vào Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9/2001, cô Jacquelin Febrillet, 26 tuổi, đang làm việc cách khu vực đó hai dãy nhà.
Mười lăm năm sau vụ tấn công gây rúng động thế giới đó, Febrillet, khi đó đang là mẹ của ba đứa con, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư di căn. Nguyên nhân gây ra căn bệnh của cô được suy đoán là do những đám mây bụi độc hại từ vụ tấn công này.
“Tôi đã ở đó vào ngày 9/11. Tôi đã làm việc ở khu vực này mỗi ngày kể từ ngày 9/11 trong nhiều năm qua. Chưa có ai nói cho chúng tôi biết rằng chuyện này có thể xảy ra”, cô Febrillet nói.
"Hãy đưa thành phố trở lại hoạt động sớm nhất"
Không giống như cô Febrillet, Richard Fahrer, khi đó 19 tuổi, không ở trong khu vực xảy ra vụ khủng bố vào ngày 9/11. Tuy nhiên, anh Fahrer thường xuyên làm công việc khảo sát xây dựng từ năm 2001 đến 2003 ở phía nam Manhattan, nơi tòa tháp đôi sụp đổ.
Mười tám tháng trước, anh Fahrer, hiện 37 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng tăng triển, một căn bệnh thường ảnh hưởng đến những người đàn ông lớn tuổi. Gia đình anh chưa có ai mắc phải căn bệnh này.
Febrillet và Fahrer là những người thuộc nhóm bệnh nhân sống hoặc làm việc gần Trung tâm Thương mại Thế giới sau vụ tấn công khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Họ không nằm trong số hàng nghìn nhân viên cấp cứu phải nhanh chóng đến địa điểm này hoặc mất nhiều tháng để dọn dẹp các mảnh vỡ trong khu vực. Tuy nhiên, họ cũng gặp những vấn đề về sức khỏe tương tự nhóm trên.
Hàng chục nghìn người sống hoặc làm việc trong khu vực xảy ra thảm họa đã phải hít thở không khí dày đặc khói và các hạt bụi độc hại từ vụ sụp đổ của tòa tháp đôi. Đã 18 năm kể từ vụ khủng bố trên, số lượng người mắc bệnh ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác liên quan đến đám mây bụi độc hại lơ lửng ở khu Manhattan trong vài tuần sau vụ tấn công vẫn ngày một tăng lên.
Sự sụp đổ của tòa tháp đôi vào ngày 11/9/2001 trong vụ khủng bố làm thay đổi tình hình nước Mỹ đã giải phóng một chùm khói chứa 400 tấn bụi amiăng cùng các chất nguy hiểm khác lên khắp khu Manhattan, New York.
Theo Chương trình Y tế của Trung tâm Thương mại Thế giới, bất kỳ ai trong bán kính 2,5 km của tòa tháp đôi đều có nguy cơ tiếp xúc với amiăng cũng như các chất gây ung thư khác như chì, thủy ngân, benzen và điôxin.
Lính cứu hỏa, lực lượng phản ứng nhanh và tình nguyện viên đã giúp dọn dẹp khu vực trong nhiều tháng đầu sau vụ tấn công là những người đầu tiên bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu cho thấy họ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh tim mạch cao.
Theo ước tính, có khoảng 410.000 - 525.000 người, bao gồm hơn 90.000 công nhân, đã phải tiếp xúc với bụi độc hại trong công việc cứu hộ, phục hồi và dọn dẹp sau vụ tấn công.
10.000 người trong số họ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bởi Chương trình Y tế Trung tâm Thương mại Thế giới, một chương trình điều trị của liên bang nhằm giúp đỡ những người sống sót sau thảm kịch này.
Vào cuối tháng 6/2019, 21.000 người khác không thuộc nhóm phản ứng nhanh trên cũng tham gia chương trình này. Con số này gấp đôi so với tháng 6/2016. Gần 4.000 người trong số này mắc bệnh ung thư, phổ biến nhất là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư da.
Febrillet là một trong số những người thuộc nhóm đó. Cô nhớ lại rằng thông điệp được đưa ra lúc đó là đưa thành phố trở lại hoạt động bình thường nhanh nhất có thể.
“Một vài ngày sau vụ tấn công, mọi người trở lại công việc kinh doanh của mình. Hãy nhìn vào những gì xảy ra vài năm sau đó, mọi người đang chết dần”, cô Febrillet, người cũng sinh sống gần khu vực tòa tháp đôi, nói.
Anh Fahrer cũng than thở rằng các quan chức của thành phố đã không làm nhiều hơn để bảo vệ người dân và nhân viên văn phòng trong vùng lân cận.
“Vợ tôi hỏi có phải những kẻ khủng bố gây ra bệnh ung thư của anh không? Tôi không thể nói 100% là do bọn chúng, nhưng tôi biết chính quyền có thể làm tốt hơn để hạn chế sự tiếp xúc của những người trưởng thành khỏe mạnh vào khu vực xảy ra thảm họa”, anh Fahrer cho biết.
"Chúng tôi đã mất đi rất nhiều bạn bè"
Các chuyên gia y tế nói rằng không thể xác định chính xác nguyên nhân gây ung thư ở mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng có một mối tương quan rõ ràng giữa tỷ lệ ung thư và việc tiếp xúc với các loại chất độc hại.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ ung thư đã cao hơn từ 10 đến 30% ở những người tiếp xúc với bụi độc hại so với những người mắc bệnh ung thư khác”, ông David Prezant, người phụ trách y tế của sở cứu hỏa New York, cho biết.
“Tỷ lệ này dự kiến còn tăng nữa”, ông Prezant nói, “khi những người tiếp xúc với các chất độc hại già đi. Nguy cơ ung thư tăng theo tuổi tác và một số bệnh ung thư, như ung thư phổi, có thể mất từ 20 đến 30 năm để phát triển”, ông Prezant nói thêm.
Chính vì điều này, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 7 vừa qua đã ký một dự luật nhằm kéo dài thời hạn cho các nạn nhân của vụ việc nộp đơn yêu cầu bồi thường từ tháng 12 năm 2020 đến năm 2090.
Quỹ bồi thường nạn nhân sẽ thường xuyên được rót thêm tiền vào sau khi dùng cạn kiệt ngân sách ban đầu 7,3 tỷ USD.
Mức bồi thường trung bình cho mỗi bệnh nhân là 240.000 USD, hoặc 682.000 USD nếu người đó đã qua đời. “Chúng tôi đã mất rất nhiều người thân và bạn bè. Có rất nhiều người bị bệnh”, ông Febrillet nói.
“Số người mắc ung thư nhiều đến mức khi tôi gặp người quen, tôi sẽ không hỏi bạn dạo này thế nào? Nghỉ hưu chưa,… Thay vào đó, tôi sẽ hỏi cuộc phẫu thuật thế nào? Quá trình điều trị diễn ra như thế nào? Chúng tôi còn quá trẻ, điều này không nên xảy ra”.