Nhiều người có thói quen ngủ trưa hoặc tranh thủ đánh giấc ngắn trong ô tô, đây là thói quen vô cùng nguy hiểm. Khí carbon monoxide (CO) tích tụ trong xe có thể khiến bạn ngạt thở chỉ trong vòng chưa đầy một giờ.
Các chuyên gia cho biết cho biết, khi đóng cửa ô tô để ngủ bên trong, mức oxy (O2) bên trong xe sẽ giảm. Ngược lại, sự tích tụ khí carbon monoxide (CO) do rò rỉ khí thải sẽ tăng lên. Đây là một khí rất độc với máu. Gia tăng nồng độ CO trong xe sẽ làm giảm lượng O2 đi vào máu, dẫn đến cơ thể bị sốc hoặc có thể đột ngột tử vong.
“Ngay cả trường hợp chiếc xe ô tô trang bị hệ thống lưu thông khí (AC) hoạt động tốt, con người ngủ trong không gian khép kín vẫn có thể bị nguy hiểm”. “Thở trong một không gian kín kể cả khi không khí lưu thông vào ra xe là không đủ. Không khí có khả năng bị mắc kẹt trong quá trình lưu thông, làm tăng mức độ carbon monoxide và giảm mức độ oxy”. Tùy từng tính năng cơ học của xe mà lượng khí thải CO sẽ khác nhau, làm người ngủ trong xe ngạt thở nhanh hoặc chậm.
Nhiều người thắc mắc, khác biệt nào giữa việc lái ô tô hàng giờ khi xe đóng kín cửa và khi con người ngủ trong xe?
Các nghiên cứu đã chỉ ra, khi lái xe trong thời gian dài, bạn nhận thức được nhiệt độ trong xe cũng như bất kỳ rò rỉ khí nào có thể xảy ra để điều hòa cơ thể. Mọi người sẽ có xu hướng tìm đến cửa sổ nếu bắt đầu cảm thấy ngột ngạt hoặc cần bầu không khí trong lành. Ngược lại, ngủ bên trong xe hơi, bạn không thể nhận thức được nhiệt độ, do đó cơ thể dễ bị tích tụ nhiệt và khí CO.
Các chuyên gia khuyến cáo mọi người tránh ngủ trong xe hơi, trừ khi trường hợp khẩn cấp.
Lưu ý gì khi ngủ trong xe ô tô
Khi các tài xế đường dài quá mệt mỏi, thiếu ngủ, việc ngủ trong xe hơi là tình huống bất khả kháng khi không thể tìm được chỗ nghỉ phù hợp. Trong trường hợp đó, bạn cần chọn chỗ đỗ xe thoáng đãng, không khí lưu thông tốt.
Đặc biệt tránh đỗ xe ở nơi không gian chật hẹp, thiếu không khí như gara kín gió, hầm để xe và ngủ. Trong trường hợp này, dù có mở hết cửa xe bạn vẫn có thể bị thiếu oxy hay ngộ độc khí CO vì khí thải từ động cơ xe.
Khi ngủ trong xe ô tô, tài xế cần bật điều hòa, chọn chế độ lấy gió ngoài tự động, điều chỉnh hướng gió điều hòa để tránh gió lạnh phả thẳng vào mặt dễ dẫn đến cảm lạnh, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Điều quan trọng nhất là tài xế nhất định phải khóa cửa và hạ cửa kính bên xuống khoảng 1 - 1,5cm để đảm bảo sự lưu thông không khí mà không làm ảnh hưởng tới việc làm mát của hệ thống điều hòa. Điều này giúp tránh rủi ro khi động cơ tắt máy đột ngột, điều hòa trong xe gặp sự cố và chống trộm khi chủ xe ngủ say.
Các tài xế không nên ngủ trong xe quá lâu. Tốt nhất, bạn nên đặt báo thức sau mỗi giờ để tránh tình trạng ngủ quên và dễ dàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Ngủ trong xe ô tô chưa bao giờ là an toàn, hãy cẩn trọng để bảo vệ tính mạng của chính mình.