10 bản hợp đồng "hố" nhất Premiership mùa này

Giải Ngoại hạng Anh mùa này chứng kiến không ít các CLB phải vò đầu bứt tai vì đã rước về những ngôi sao như Wright-Phillips, Luque... mà đóng góp của họ chỉ là một số 0 tròn trĩnh.

Dưới đây là 10 vụ chuyển nhượng được đánh giá là "vô bổ nhất" trong một năm qua tại giải Ngoại hạng

Abel Xavier bị cấm thi đấu chỉ sau 4 trận khoác áo Middlesbrough

Abel Xavier

(đến Middlesbrough theo dạng chuyển nhượng tự do)

Từng có giai đoạn thành công với Liverpool, nhưng khoảng thời gian của cựu tuyển thủ Bồ Đào Nha có mái tóc và bộ râu vàng chóe này tại Riverside chỉ để lại những cơn ác mộng cho chính bản thân anh và Middlesbrough.

Xavier chỉ được ra sân 4 trận, trong đó có thất bại trước Sunderland trên sân nhà, trước khi bị treo giò vì kết quả thử nghiệm doping có kết quả dương tính. Nỗ lực kháng án của anh đã bị bác bỏ thẳng thừng.

Tuy nhiên, nếu không có sự kiện này thì màn trình diễn tệ hại của Xavier trong 4 trận đấu nói trên cũng đủ để HLV McClaren nghĩ đến việc tìm người thay thế. Và ông đã không sai khi đặt niềm tin vào Stuart Parnaby.

Zvonimir Vukic (Portsmouth, hợp đồng cho mượn)

Sau khi lên nắm quyền, HLV Harry Redknapp đã không ngần ngại nói rằng phần lớn những bản hợp đồng dưới thời người tiền nhiệm Alain Perrin đều không đủ trình độ để thi đấu cho Portsmouth, và cái tên được ông chỉ đích danh là Zvonimir Vukic.

Dù được tạo điều kiện ra sân khá nhiều, nhưng tiền vệ người Serbia & Montenegro hầu như không gây được ấn tượng nào trong sơ đồ 3-3-3-1 của Perrin.

Vì thế sang thời của Redknapp, anh nhanh chóng bị đẩy lên ghế dự và phải cuốn gói về quê nhà khoác áo Partizan Belgrade trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa đông.

Per Kroldrup (Everton, hợp đồng chuyển nhượng trị giá 5 triệu bảng)

Tuyển thủ Đan Mạch thuộc vào dạng những cầu thủ luôn gây ấn tượng trong các buổi tập và những giải giao hữu nhưng lại gây thất vọng trong các trận đấu chính thức. Nhưng cũng phải công bằng mà nói một chấn thương đã khiến cựu hậu vệ của Udinese không thể hiện được những phẩm chất tốt nhất của anh trong màu áo Everton.

Màn trình diễn tệ hại của Kroldrup trong thất bại 0-4 trước Aston Villa là giọt nước làm tràn ly khiến HLV David Moyes bấm bụng đẩy anh trở về Serie A với giá 3 triệu euro, và gọi lại trung vệ đã 34 tuổi Alan Stubbs.

Tuy nhiên, một điều nghịch lý là Kroldrup sau đó lại chơi cực hay và trở thành trụ cột của hàng thủ Fiorentina. Chính phong độ ổn định của anh đã góp phần không nhỏ giúp đại biểu thành Firenze trụ vững ở vị trí thứ 4 và nhiều khản năng sẽ đoạt suất cuối cùng dự sơ loại Champions League mùa tới.

Diomansy Kamara (West Brom, 1,5 triệu bảng)

Từng là một gương mặt không thể thay thế trong đội hình của HLV Bryan Robsson, khi Kamara đã đẩy cả hai gương mặt Nathan Ellington và Robert Earnshaw lên băng ghế dự bị. Dù chơi trung phong hay dạt ra biên trái như một tiền đạo cánh, tuyển thủ Senegal luôn khiến đối phương phải vất vả với tốc độ của anh.

Tuy nhiên, Kamara lại gặp phải vấn đề tối kỵ với bất kỳ chất sút nào, đó là bàn thắng. Một bàn thắng trong cả mùa giải là quá ít so với sự mong đợi từ phía BHL và các CĐV.

Những pha hỏng ăn đáng tiếc của anh trong hai trận thua Aston Villa và Birmingham đã khiến West Brom phải giá đắt bằng tấm vé xuống chơi ở giải hạng nhất mùa tới.

Walter Pandiani (Birmingham, 3 triệu bảng)

"Súng trường" Pandiani cũng không phát huy hiệu quả tại Birmingham

"Súng trường" Pandiani cũng không phát huy hiệu quả tại Birmingham.

Trường hợp của Pandiani khiến các CĐV Birmingham liên tưởng đến cựu tuyển thủ Pháp Christophe Dugarry ở mùa giải 2003/04. Đó đều là những tiền đạo chơi cực kỳ ấn tượng khi còn thi đấu theo dạng cho mượn nhưng lại xuống dốc không phanh và dần mất hút khi được ký hợp đồng chính thức.

6 tháng trời khoác áo Birmingham với mức lương cao ngất ngưởng cùng hàng loạt những ưu đãi khác, tiền đạo được mệnh danh "súng trường Uruguay" chỉ ghi được đúng 2 bàn. Và đó là lý do khiến anh bị tống tiễn sang Espanyol với cái giá "bèo bọt" 1 triệu euro.

Wilfred Bouma (Aston Villa, 3,5 triệu bảng)

Lúc mới đến từ PSV, tuyển thủ Hà Lan này được xem là một phần quan trọng trong kế hoạch dài hạn nhằm cải thiện hình ảnh của Aston Villa.

Nhưng chấn thương rồi sa sút phong độ đã khiến anh không còn duy trì được những màn trình diễn ấn tượng như khi cùng CLB Hà Lan vào đến bán kết Champions League mùa trước. Trận ra mắt của anh cũng là một cơn ác mộng thực sự khi đại diện thành Birmingham đại bại 0-4 trước West Ham.

Và từ đó, anh bị đẩy luôn lên băng ghế dự bị. HLV David O'Leary thậm chí còn không ngó ngàng đến anh ngay cả khi những hậu vệ khác như Olof Mellberg, Martin Laursen và Mark Delaney dính chấn thương.

Cơ hội góp mặt tại World Cup 2006 vì thế cũng "cuốn theo chiều gió" bởi HLV Van Basten không có ý định gọi một cầu thủ đã mất vị trí chính thức ở CLB vào ĐTQG Hà Lan.

Jon Stead (Sunderland, 1,8 triệu bảng)

Cho tới thời điểm này có thể khẳng định các vụ tuyển mộ của HLV Mick McCathy đều vô dụng bởi những cầu thủ mới đến đã không đóng góp gì cho tân binh Sunderland.

Bên cạnh những gương mặt được McCathy cóp nhặt từ Coca Cola Championship, John Stead là chân sút duy nhất gia nhập sân Ánh sáng từ một CLB Ngoại hạng hồi đầu mùa giải này.

Tuy nhiên, phong độ của cựu tiền đạo Blackburn rất tệ. Chỉ ghi được một bàn thắng, Stead chính là một nguyên nhân quan trọng đưa Sunderland lên chuyến tàu trở lại hạng nhất.

Shaun Wright-Phillips (Chelsea, 21 triệu bảng)

Bản hợp đồng đắt giá thứ nhì của Chelsea và cả bóng đá Anh ở mùa giải vừa qua đã gây thất vọng cho các CĐV. Từng là một cầu thủ chạy cánh nguy hiểm với tốc độ và các pha dứt điểm sấm sét khi còn khoác áo Man. City, nhưng Wright-Phillips đã không thể hiện được mình dù được ra sân 37 lần trong màu áo mới Chelsea.

Giới truyền thông Anh cho rằng áp lực từ cái giá chuyển nhượng cao ngất trời cùng chiến thuật không thực sự rõ ràng của HLV Mourinho (không định nghĩa rõ ràng về vai trò của một tiền vệ cánh) chính là nguyên nhân dẫn tới sự sa sút của Wright-Phillips.

Chắc chắn cả anh và Chelsea đều rất ân hận với mối lương duyên này. Khi mới đến Stamford Bridges, Wright-Phillips còn được đánh giá là tài năng không thua kém Rooney là mấy nhưng giờ đây, có lẽ một ví trí ở đội tuyển Anh cũng là mơ ước quá xa vời với cựu tiền vệ Man. City.

Về phía Chelsea, họ lại ân hận bởi lại một lần nữa vội vàng bỏ ra một đống tiền để rước về một ngôi sao trên băng ghế dự bị. Nếu đẩy Wright-Phillips sang một đội bóng khác vào thời điểm hiện nay, chắc chắn Chelsea không thể thu hồi lại được món tiền 21 triệu bảng đã chi ra để có được anh.

Asier del Horno (Chelsea, 8 triệu bảng)

Tính khí nóng nảy của Del Horno là một nguyên nhân khiến anh không thể hiện được mình ở Chelsea

Tính khí nóng nảy của Del Horno là một nguyên nhân khiến anh không thể hiện được mình ở Chelsea. Đây là một ví dụ nữa về thói quen chi tiêu vô tội vạ của "gã nhà giàu" Chelsea. Cái mác "tài năng trẻ triển vọng nhất Tây Ban Nha" của Del Horno đã buộc Abramovich phải móc ra 8 triệu bảng để tậu anh về từ Athletic Bilbao theo yêu cầu của HLV Mourinho.

Tuy nhiên, chấn thương rồi sa sút phong độ đã khiến hậu vệ trái đắt giá nhất giải Ngoại hạng dần mất vị trí vào tay Gallas, vốn là một trung vệ nhưng vẫn thi đấu rất xuất sắc khi bị kéo ra biên.

Chưa hết, tính khí nóng nảy của Del Horno còn làm hại CLB ở vòng 16 đội Champions League khi anh phạm lỗi thô bạo với Messi. Chiếc thẻ đỏ sau tình huống này đã khiến các đồng đội phải thi đấu trong cảnh thiếu người và bị Barca loại.

Tuyển thủ Tây Ban Nha này cũng hai lần bị truất quyền thi đấu trong các trận gặp Portsmouth và Liverpool ở giải Ngoại hạng. Với ngần ấy "thành tích", xem ra Del Horno không có nhiều cơ hội thực hiện hết hợp đồng của anh với Chelsea.

Albert Luque (Newcastle, 9,5 triệu bảng)

Tính ra, bóng đá Tây Ban Nha được hưởng lợi 15 triệu bảng từ lòng hào hiệp của Newcastle trong những năm gần đây. Đầu tiên là vụ tuyển mộ hậu vệ Marcelino từ CLB Mallorca năm 1999 với giá 5,5 triệu bảng chỉ để anh này nghỉ dưỡng thương và chờ ngày giải phóng hợp đồng.

Và giờ đây là Albert Luque, chân sút đến từ Deportivo La Coruna và được kỳ vọng sẽ là sự bổ sung tuyệt vời cho cặp tấn công Alan Shearer và Michael Owen.

Tuy nhiên, không như sự mong đợi từ phía BLĐ "những chú chích chòe", Luque đã sa sút phong độ nhanh đến bất ngờ và để mất vị trí vào tay tài năng trẻ Charles N'Zogbia kề từ vòng 16.

Nhưng có một điều kỳ lạ là bất chấp màn trình diễn không ra gì ở sân St.James Park, danh tiếng mà Luque tạo dựng trong những năm khoác áo Deportivo vẫn khiến anh được Real Madrid quan tâm và muốn ký hợp đồng. Đây có thể là một lối thoát cho cựu tuyển thủ Tây Ban Nha này ở mùa giải tới.

Theo Minh Kha
Vnexpress