1 triệu khách đến Mẫu Sơn năm 2030, bài toán đã có lời giải

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn đón trên 1 triệu lượt khách du lịch.

Mục tiêu đó liệu có khả thi không, khi năm 2018, chỉ vỏn vẹn hơn 203.100 du khách đến với Mẫu Sơn, và đến giờ Mẫu Sơn vẫn im lìm trong đơn sơ?

Đẹp, nhưng chẳng mấy ai hay

Mẫu Sơn nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn, thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt - Trung. Nơi đây là một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn).

Với độ cao trung bình 800m - 1.000m so với mặt nước biển, thời tiết Mẫu Sơn mát lạnh quanh năm, nhiệt độ trung bình là 15,5 độ C. Mùa đông thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Được ví như “Đà Lạt vùng Đông Bắc” nhưng nhiều năm qua, lượng khách du lịch đến với Mẫu Sơn lại vô cùng khiêm tốn.

Theo số liệu từ Sở du lịch tỉnh Lạng Sơn, năm 2017, Mẫu Sơn chỉ đón khoảng 185.000 khách du lịch, năm 2018, con số này là 203.100 khách, dự kiến 2019 đạt 205.000 khách, với doanh thu từ du lịch năm “cao điểm” nhất cũng chỉ khiêm tốn đạt hơn 10 tỉ đồng.

Trong khi đó, với tiềm năng du lịch tương tự, Sa Pa năm 2017 đón 2,5 triệu lượt khách, tăng tới hơn 60% so với năm 2016, từ khi có các sản phẩm mới hấp dẫn như Khu du lịch Sun World Fansipan Legend với cáp treo đạt hai kỷ lục thế giới, đưa du khách đến đỉnh Đông Dương. Chỉ 7 tháng đầu năm 2019, Sa Pa đã đón 2,15 triệu lượt khách. Những con số này với Mẫu Sơn giống như một giấc mơ.

 

Trên thế giới, Hoàng Liên Sơn -  Sa Pa đứng thứ 7 trên tổng số 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019, và là điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á năm 2019 do CNN bình chọn. Mẫu Sơn đẹp không kém, nhưng chưa hề có kênh truyền thông quốc tế nào biết đến nơi này.

Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019 hôm 30/9 cũng nhận định: “Tôi đánh giá dư địa phát triển của Mẫu Sơn còn cao hơn cả Sa Pa. Việt Nam giờ cứ nói Sa Pa nhưng không ai biết Mẫu Sơn đẹp, mát, tuyệt vời như thế nào. Ở Việt Nam, đây là điểm nhiều tuyết nhất trong mùa đông, mùa hè thì mát mà chưa được khai thác... Không phải chỉ có Tam Đảo, Sa Pa hay Bà Nà - Núi Chúa trong Đà Nẵng đâu, chính Mẫu Sơn mới thực sự là hấp dẫn”.

Những du khách ít ỏi đến với Mẫu Sơn cũng có chung cảm nhận: nơi này đẹp, nhưng nghèo nàn dịch vụ du lịch. Một vài nhà nghỉ, những quán hàng tạm bợ người dân tộc tự dựng lên lấy kế sinh nhai khiến du khách nhiều năm rồi vẫn chỉ coi Mẫu Sơn như một điểm dừng chân tạm, trong hành trình rất ngắn ngày đến Lạng Sơn, thường là dịp đầu, cuối năm đi lễ.

Tiến sỹ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: Sản phẩm du lịch được cấu thành từ 5 yếu tố: thực (ẩm thực) - trú (lưu trú) - hành (lữ hành) - lạc (địa điểm vui chơi, giải trí)  - y (y phục, sản phẩm lưu niệm đặc trưng). Theo phân tích đó, dường như Mẫu Sơn đang thiếu cả 5 yếu tố.

Làm gì để đánh thức Mẫu Sơn, đưa thiên đường ấy đến với thế giới. Câu hỏi đó, nhiều năm trời, không chỉ lãnh đạo và người dân Lạng Sơn đau đáu trăn trở.

 

Ai được trao chiếc chìa mở khóa du lịch Mẫu Sơn?

Trước đó, năm 2017, Quyết định số 240/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2030 đã đặt chỉ tiêu đến năm 2025, Mẫu Sơn sẽ đón khoảng 800.000 lượt khách, trong đó có 35.000 lượt khách quốc tế. Và mục tiêu đến năm 2030, Mẫu Sơn đón trên 1 triệu khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó trên 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt trên 2.300 tỉ đồng; đến năm 2030 đạt trên 3.400 tỉ đồng.

Và mới đây nhất, tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040 (557/QĐ-TTg). Mục tiêu nhằm phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa, và du lịch sinh thái của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Cùng với Quy hoạch trên, Quyết định này giống như một tia sáng mở đường với Lạng Sơn, trên hành trình tìm cách thay đổi diện mạo du lịch của vùng núi đẹp tựa cõi tiên Mẫu Sơn.

Nhưng làm thế nào để trong vòng 10 năm có thể tăng gấp 5 lần lượng du khách và hút về số tiền “khổng lồ” khổng lồ lên tới hàng nghìn tỉ đồng khi hiện tại doanh thu từ du lịch mới chỉ dừng ở con số chục tỉ? Nhiều người khi nhìn vào những con số này đã không khỏi “lắc đầu” trước những con số đầy tham vọng được đặt ra cho Lạng Sơn.

Phải đến ngày 30/9/2019, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, khi lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư Quần thể khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn cho Sun Group, thì người ta mới có niềm tin rằng, tham vọng trên là có cơ sở. Được biết, tại quần thể này, Sun Group sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái mang bản sắc vùng núi phía Bắc.

Có lẽ, chưa cần biết những hạng mục trên sẽ được hiện thực hóa như thế nào, nhưng cứ nhìn cái cách Tập đoàn này đã đưa Bà Nà thành điểm đến hàng đầu Việt Nam, thành hiện tượng trên thế giới, đưa Sa Pa đạt đến những con số tăng trưởng ngoạn mục nói trên, thì với Mẫu Sơn, rất có thể, 1 triệu khách du lịch năm 2030 cũng không phải là quá lớn.