Xuất hiện những "công trình ma" sau Olympic Athens 2004

TPO - Hy Lạp từng bỏ ra một số tiền khổng lồ để xây dựng hàng loạt nhà thi đấu hiện đại phục vụ Thế vận hội Athens 2004. Tuy nhiên, sau khi thế vận hội kết thúc, không ít công trình thể thao đã bị bỏ hoang, cỏ mọc xanh rì.

Thế vận hội Athens 2004 đã tiêu tốn của chính phủ Hy Lạp khoảng 15 tỷ đô la, trong khi kinh phí dự trù ban đầu nhỏ hơn hàng chục lần – chỉ 1,6 tỷ đô la. Đó là thông tin được đưa ra bởi nhà kinh tế, giáo sư Andrew Zimbalist – người đã viết một cuốn sách về khoản chi phí thực sự bỏ ra để tổ chức các sự kiện thể thao.

Vào thời điểm năm 2004, chính phủ Hy Lạp đã cho xây dựng một làng thể thao, một trung tâm truyền thông, một sân vận động và một nhà thi đấu thuyền canoeing và kayak.

Tuy nhiên sau khi thế vận hội kết thúc, ngoài sân vận động Olympics thì hầu hết các công trình thể thao khác đều bị bỏ hoang vì chính phủ Hy Lạp không tìm ra cách để sử dụng chúng vào một mục đích nào khác.

Nhà thi đấu bóng chuyền mọc đầy cỏ dại.

Bảy ngàn người đã từng ngồi đây chứng kiến Misty May và Kerri Walsh đoạt huy chương vàng vào năm 2004.

Làng thể thao nơi kình ngư Michael Phelps từng ở nay đã trở thành một ngôi làng ma.

Theo kế hoạch ban đầu của Ban tổ chức, sau khi thế vận hội kết thúc, người dân sẽ được đăng kí đến sống ở khu liên hiệp thể thao này như một khu đô thị thông thường...

...Tuy nhiên, dự định của Ban tổ chức đã bất thành.

Một ngôi trường mà chính phủ hứa sẽ xây dựng cũng chưa từng được khởi công. Các nhà đầu tư đã bỏ khu vực này ra đi.

Tính đến năm 2011, có một nửa diện tích của khu liên hiệp thể thao này đã bị bỏ hoang.

Nhiều trang thiết bị có giá trị đã bị đánh cắp.

Cổng vào làng thể thao này cũng đã bị đóng.

Nhà thi đấu bóng mềm hóa đồng cỏ.

Lí do được đưa ra là bởi môn bóng mềm không phải là môn thể thao phổ biến ở Hy Lạp.

Nhà thi đấu thuyền canoeing và kayak ở đây từng được coi là nhà thi đấu có đẳng cấp thế giới, là nơi đầu tiên sử dụng toàn bộ nước mặn thay cho nước ngọt. Nhưng giờ cũng đã bị bỏ không.

Bên cạnh đó, Sochi (Nga) – nơi từng diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2014 nay cũng đứng trước nguy cơ tương tự.

Theo Theo Business Insider