Chiều 17/2, nghe tin giá sữa Gain (Abbott) chuẩn bị tăng giá, bốn bà mẹ có con nhỏ đang làm việc tại tòa nhà trên phố Hồ Xuân Hương (Hà Nội) gọi điện đến đại lý sữa trên đường Trường Chinh mang đến bảy thùng sữa Gain (loại thường 192 nghìn đồng/hộp 950 gam) với tổng số tiền chi trả một lúc lên tới 16 triệu đồng.
Theo thông báo của Abbot, từ 22/2, giá sữa của hãng này sẽ tăng bốn phần trăm các loại. Sữa Pediasure tăng thêm 30 nghìn đồng/hộp cách đây chưa lâu nhưng, theo nhiều đại lý, nhà phân phối lên tiếng có thể tăng thêm trong thời gian tới.
Cùng lúc, các loại sữa ngoại khác xách tay từ Maylaysia, Australia...giá cũng bắt đầu tăng từ 10-15 nghìn đồng/hộp.
Trước thông tin có thể sẽ tăng thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu, nhiều hãng không giấu giếm ý định tăng giá với mấy lý lẽ như hàng tồn kho, hợp đồng đã ký, sức tiêu thụ.
Cần Chính phủ vào cuộc...
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công Thương, cho biết, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét đưa mặt hàng sữa ngoại vào kiểm soát và làm rõ xem đang vướng ở khâu nào.
“Việc kiểm tra mặt hàng sữa làm đến mấy chục lần. Vậy mà bây giờ, việc xử lý vẫn không rõ thuộc cơ quan y tế hay bên quản lý giá”- Ông Xuân nói.
Theo ông Xuân, đến lúc này việc xử lý cần căn cứ vào biên bản kiểm tra có chứng cứ giấy trắng, mực đen. “Nếu vi phạm về chất lượng hay giá thì cứ xử lý theo đúng quy định tức là xử phạt hành chính hoặc truy thu, thậm chí thu giấy phép. Cho đến lúc này, rất cần Chính phủ vào cuộc chỉ đạo để làm cho rõ ràng, công khai xử lý cho thỏa đáng ai vi phạm”- Ông Xuân kiến nghị.
Trong một lần thanh tra giá sữa cuối năm 2006, cơ quan quản lý giá từng cho hay, một trong những nguyên nhân đẩy giá thành sữa tăng lên là do chi phí dành cho quảng cáo của các hãng thường cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gần gấp đôi so với mức quy định (10 phần trăm).
Giá sữa đã và sẽ rục rịch tăng, cơ quan chức năng có hay và sẽ làm gì? Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nói: “Cục đang cho cán bộ đi khảo sát nắm tình hình ngoài thị trường. Chậm nhất, một tuần nữa, chúng tôi sẽ có câu trả lời giá sữa đó tăng có hợp lý hay không”.
Trước câu hỏi “Doanh nghiệp chưa đăng ký mà đã tăng giá bán sai quy định và lý do tăng không hợp lý, Cục sẽ làm gì?”, ông Thỏa cho biết, sẽ báo cáo Bộ và công khai trước dư luận việc xử lý. Có thể qua cơ quan thuế để thu hồi lợi nhuận chênh lệch, thậm chí đề nghị rút giấy phép...”.
Không thể vin vào thuế để đòi tăng giá
Tính đến tháng 1/2009, giá nguyên liệu sữa chỉ còn 1.750 –1.900 USD/tấn, giảm 60 phần trăm so với năm 2007- thời điểm giá nguyên liệu đầu vào được tăng cao nhất (5.000 USD/tấn). Thuế nhập khẩu sữa của Việt Nam cũng giảm thấp hơn cả mức cam kết vào WTO. Việt Nam cam kết năm 2009 hạ thuế xuống mức 18 phần trăm.
Thực tế, mức thuế hiện tại là 10 phần trăm. Với sữa thành phẩm, Việt Nam cam kết hạ còn 25 phần trăm vào năm 2012. Tuy nhiên, ngay bây giờ, thuế cho sữa thành phẩm đã ở mức 15 phần trăm. Giá sữa thế giới giảm mạnh nhưng, một năm qua, không một hãng, nhà phân phối sữa nào trong nước chịu giảm giá.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc giảm thuế thời điểm đó nhằm giảm gánh nặng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng. Còn đến lúc này, việc tăng thuế sữa vẫn phải cân nhắc. Điều quan trọng là doanh nghiệp không thể vin vào cớ thuế tăng mà đòi tăng giá.