Xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, yếu kém: Tập đoàn lo “sập” theo dự án

TP - Sáng 27/3, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ của ngành Công Thương. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bày tỏ nỗi lo “Ðạm Ninh Bình kéo sập cả tập đoàn khi đã rót vào đây 6.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 13.000 tỷ đồng”.

1/12 dự án xin ra khỏi danh sách thua lỗ

Báo cáo kết quả xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói “đã có những chuyển biến tích cực”. Cụ thể, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy bước đầu có lợi nhuận. Trong năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng, lợi nhuận đạt 195 tỷ đồng; Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận đạt 469 tỷ đồng. Bốn dự án khác là Đạm Hà Bắc, DAP số 2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình và Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Công ty DQS) đang tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Năm 2018, Đạm Hà Bắc giảm lỗ 266 tỷ; DAP số 2 Lào Cai giảm lỗ 288 tỷ đồng; Đạm Ninh Bình giảm lỗ 10 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương. Ảnh: V.K


Ngoài ra, trong số 3 nhà máy dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành ổn định trở lại là Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) và Ethanol Quảng Ngãi. Còn Ethanol Bình Phước đang xây dựng kế hoạch và xác định thời điểm vận hành sản xuất phù hợp với điều kiện thị trường.

Đề cập đến nhà máy DAP 1 Hải Phòng, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) kiến nghị với Ban Chỉ đạo đưa DAP 1 Hải Phòng ra khỏi danh sách các doanh nghiệp, dự án yếu kém vì đã hoạt động ổn định trong 3 năm liền, bảo đảm được các tiêu chí mà Bộ Công Thương đang dự thảo.

Đồng tình với kiến nghị của Vinachem, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng hoàn tất các tiêu chí, thủ tục, phối hợp với Vinachem sớm đưa DAP 1 Hải Phòng ra khỏi danh sách nhằm gia tăng tín nhiệm cho nhà máy, huy động tốt hơn vốn sản xuất, kinh doanh. Công ty Thép Việt- Trung cũng có lợi nhuận năm thứ 2 liên tiếp khi năm 2018 đạt 469 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Tổng Cty thép Nguyễn Đình Phúc cho rằng Thép Việt- Trung chưa hoàn thành các nghĩa vụ thuế, phí và tình hình sản xuất những tháng đầu năm 2019 còn khó khăn nên hy vọng nhà máy này sẽ ra khỏi danh sách trong thời gian tới.

Căng thẳng lãi vay

Về dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường cho biết, việc tái cơ cấu các khoản vay rất khó khăn. Hiện Nhà máy Đạm Ninh Bình không có vốn sản xuất khi “cửa” vay ngân hàng bị đóng hoàn toàn. Đạm Ninh Bình hiện “sống” dựa vào tiền mua hàng ứng trước của khách hàng. “Bản thân cán bộ Vinachem cũng phải cùng anh em nhà máy xuống tận các đại lý vận động họ mua hàng, ứng tiền trước cho nhà máy”, ông Cường cho biết.

Theo ông Cường, do chi phí tài chính quá lớn nên việc xử lý Đạm Ninh Bình là “căng thẳng nhất”. “Tình trạng này kéo dài, Đạm Ninh Bình mà sập thì kéo sập cả tập đoàn khi chúng tôi đã rót vào đây 6.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 13.000 tỷ”, ông Cường lo ngại.

Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhiều sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Cty CP Gang thép Thái Nguyên và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Ðây là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Ảnh: Phạm Thanh

Lãnh đạo Vinachem đề xuất các cấp có thẩm quyền cho khoanh các khoản nợ của Đạm Ninh Bình, có giải pháp về hợp đồng vay với một số ngân hàng và lâu dài bán nhà máy lấy tiền trả nợ. Tương tự, doanh thu năm 2018 của Nhà máy Đạm Hà Bắc gần 3.100 tỷ đồng, song chi phí tài chính (lãi ngắn hạn, dài hạn, tỷ giá...) khoảng 820 tỷ đồng và sẽ tăng lên 870 tỷ trong năm 2019. Bình quân lãi vay hơn 10% một năm, cộng cả lãi phạt trả chậm là hơn 15% một năm.

Liên quan đến kết luận thanh tra dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, trong đó có yêu cầu phía nhà thầu hoàn trả 13 triệu USD mà chủ đầu tư đã thanh toán sai quy định và phải thu hồi, Tổng giám đốc Tổng Cty Thép Nguyễn Đình Phúc cho biết, Tổng Cty đã trích lục kết luận nội dung này để chuyển cho phía tổng thầu Trung Quốc (MMC). “Tuy nhiên, phía đối tác không hứa sẽ trả”, ông Phúc nói. Cũng theo ông Phúc, hiện khả năng đàm phán với đối tác để nhà thầu quay trở lại hoàn thành nốt các phần việc dở dang gần như bất khả thi bởi điều kiện tiên quyết của nhà thầu MMC từ rất nhiều vòng đàm phán trước là phải tăng giá trị hợp đồng thêm 100 triệu USD. “Tổng công ty xác định không thể đàm phán nữa và sẽ xin ý kiến tư vấn của Bộ Tư pháp để tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo như khởi kiện”, ông Phúc cho biết.

Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng Tổng Cty Thép phải tiếp tục làm rõ các vướng mắc với nhà thầu, cáo bạch rõ thực trạng của dự án để xử lý theo hướng có lợi hơn cho Tổng Cty. Với Nhà máy đạm Ninh Bình của Vinachem, ông Hiếu cho biết công ty luật đề xuất chưa khởi kiện nhà thầu mà tiếp tục đàm phán.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng Cty nhanh chóng báo cáo việc nhà máy Ethanol Quảng Ngãi sẽ thoái vốn hay sáp nhập với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; Nhà máy Ethanol Phú Thọ lựa chọn phương án phá sản hoặc sớm thoái vốn. Với nhà máy Ethanol Bình Phước, Phó Thủ tướng đề nghị PVN phối hợp với doanh nghiệp nắm cổ phần chi phối khởi động nhà máy để thoái vốn nhà nước. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý dứt điểm hợp đồng EPC và giải chấp bảo lãnh của Tổng Cty Thép trước khi cổ phần hóa.

12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương

Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng

Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 – Lào Cai

Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình

Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc

Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất

Dự án Nhà máy thép Việt – Trung

Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Ðình Vũ

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi

Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty Gang thép Thái Nguyên