Xe An toàn, xanh và thông minh: Lời giải cho giao thông Việt Nam

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 60.000 người tử vong do bênh có liên quan tới ô nhiễm không khí. Trong đó, hoạt động của phương tiện giao thông vận tải là một trong những nguồn phát thải ô nhiễm chủ yếu. Việc sử dụng phương tiện vận tải công nghệ xanh, thân thiện với môi trường sẽ góp phần cải thiện cuộc sống, bảo vệ sức khoẻ và sinh mạng cho người dân. Đồng thời, phát triển phương tiện an toàn và thông minh hơn cũng là lời giải mà chúng ta đang tìm kiếm cho hệ thống giao thông.
TS. Khuất Việt Hùng

Xe cơ giới là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí

Hà Nội và TP.HCM, những thành phố với xấp xỉ 10 triệu dân, chứng kiến dòng giao thông của hai đô thị có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao nhất thế giới với trên 90% người dân đi lại bằng xe máy. Theo WHO, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi có liên quan tới ô nhiễm không khí, gấp hơn 7 lần so với số người bị thương vong do TNGT.

Các nghiên cứu về tình hình ô nhiễm môi trường nói chung và Việt Nam nói riêng cũng cho thấy, hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nguyên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải chủ yếu các chất gây ô nhiễm không khí, khoảng trên 50% NOx, trên 25% khí COx, khoảng 25% các chất hữu cơ tổng hợp và khoảng trên 15% SO2 và bụi hạt mịn. Đặc biệt là khi quan trắc không khí dọc theo các tuyến giao thông thì nguồn từ phương tiện chiếm tỷ lệ phát thải cao hơn nhiều.

Rõ ràng, những tác hại về môi trường từ hoạt động của xe cơ giới có quy mô và mức độ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Vì vậy, việc có những giải pháp để cải thiện môi trường, giảm thiểu lượng phát thải ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông vận tải là yêu cầu hết sức cần thiết, là đòi hỏi cấp bách đặt ra từ thực tế, đặc biệt là trong các đô thị lớn, có mật độ dân cư và phương tiện cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Xe chạy điện là giải pháp “xanh” và thông minh

Việc cắt giảm các chất ô nhiễm môi trường (CO, CO2, NOx, HC, bụi…) từ hoạt động giao thông vận tải hướng tới phát triển một hệ thống giao thông vận tải thân thiện với môi trường đang trở nên ngày càng cấp thiết. Theo các nghiên cứu từ Tổ chức không khí sạch Thuỵ Sĩ, tổng lượng phát thải bụi hạt mịn từ xe máy điện chỉ bằng 5-17% tổng lượng bụi hạt mịn của xe máy chạy xăng, và tương tự lượng CO2 của xe máy điện chỉ bằng khoảng 2% đến 25% phát thải của 1 xe máy chạy xăng.

Mặc dù có một số lo ngại về lượng phát thải ô nhiễm môi trường từ sản xuất điện năng phục vụ cho phương tiện giao thông. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay cả trong trường hợp là nguồn điện năng cung cấp từ nhiệt điện thì tổng lượng phát thải ô nhiễm môi trường từ phương tiện chạy điện vẫn thấp hơn từ 25 - 40% so với phương tiện dung nhiên liệu hoá thạch.

Như vậy, việc chuyển đổi hợp lý việc sử dụng phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang phương tiện sử dụng điện, trong đó đặc biệt là dần dần gia tăng tỷ lệ sử dụng xe máy điện và ô tô điện để thay thế một phần xe máy, ô tô chạy xăng sẽ là một giải pháp hữu hiệu. Loại phương tiện này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng phát thải các chất ô nhiễm môi trường, hiện thực hoá cam kết của Chính phủ Việt Nam “Cắt giảm 9% lượng phát thải CO2 vào năm 2030”. Đồng thời trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, thì các quốc gia đều nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng mới cho hệ thống giao thông, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch.

Một đòi hỏi cho tương lai của phương tiện nói chung và đối với phương tiện chạy điện đó chính là mức độ thông minh của phương tiện. Khả năng giao tiếp giữa phương tiện với nhau, với kết cấu hạ tầng, với môi trường tham gia giao thông và khả năng hỗ trợ người dùng trong lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch đi lại giúp nâng cao an toàn, giảm thời gian đi lại và tiết kiệm năng lượng cũng như việc kết nối phương tiện trong các nền tảng số (digital platforms) … sẽ trở thành yếu tố quyết định sức cạnh tranh thị trường của phương tiện trong tương lai. Đây cũng là những tính năng mà người tham gia giao thông Việt Nam kỳ vọng từ những phương tiện mà các nhà sản xuất ô tô, xe máy trong nước, đặc biệt là VINFAST, đang chuẩn bị đưa ra thị trường, trong đó có sản phẩm xe máy điện thông minh Klara.

Những thách thức cần giải quyết

Như ở hầu hết các quốc gia, thách thức lớn nhất cho quá trình phát triển phương tiện chạy điện là nguồn điện, trạm sạc và chất lượng pin. Để giải quyết thách thức có tính chất chiến lược này thì bên cạnh vấn đề công nghệ thì chính phủ và chính quyền các địa phương phải nghiên cứu để đưa ra những chính sách ưu tiên hợp lý. Trong đó, chính sách ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế khuyến khích về tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận phương tiện và năng lượng cho người dân là những trọng tâm.

Đồng thời, việc khắc phục những tác động tiêu cực từ phương tiện chạy điện cũng cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Trước hết là khắc phục yếu điểm về chất lượng và tuổi thọ của loại pin giá rẻ, chất lượng thấp đang khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, nếu dùng pin chất lượng cao, trong đó có pin Lithium đang sử dụng cho mẫu xe máy điện thông minh Klara của Vinfast mới ra mắt có vòng đời pin lên tới 7,5 năm với quá trình thu gom, tái chế khép kín... sẽ là một tín hiệu tích cực không chỉ đối với người sử dụng mà còn đối với sức khoẻ, môi trường và xã hội.

Một thách thức rất lớn đối với phương tiện chạy điện hiện nay đó chính là vấn đề an toàn giao thông, đặc biệt là xe máy điện. Hiện nay, hầu hết người dùng xe máy điện các thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi. Một mặt là theo quy định thì nhóm người sử dụng này có thể điều khiển xe máy điện mà không cần chứng chỉ hay giấy phép lái xe. Mặt khác, những xe máy điện hiện có trên thị trường thường được thiết kế khá đơn giản, những thiết bị an toàn như đèn chiếu sáng, đèn báo chuyển hướng, hệ thống hãm hay gương chiếu hậu còn khá đơn giản, dễ hư hỏng, gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Vì vậy, trong thời gian qua, số vụ TNGT liên quan đến ngưởi sử dụng xe máy điện, đặc biệt là nhóm học sinh trung học phổ thông còn khá cao, gây bức xúc, thậm chí tạo ra tâm lý e ngại, phản đối xe máy điện trong dư luận. Vấn đề này đòi hỏi phải hoàn thiện quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật của phương tiện và quy định liên quan đối với người điều khiển (kiến thức, kỹ năng, chứng chỉ hoặc giấy phép lái xe).

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGT Quốc gia