Vượng con, khi mô con về???

"Vượng con, khi mô con về? Ngày trước, mỗi bận hắn xách đồ đi, tôi đều hỏi hắn câu đó cả. Bây chừ hắn còn ở đây mô mà hỏi..." - mắt người cha ngấn lệ khi nhắc đến Quốc Vượng - đứa con vì dại dột mà dính vòng lao lý.
thời còn vinh quang

Ở cái thành phố Vinh nhỏ xíu này, có lẽ hỏi Vượng "Cơ" thì ai cũng biết. Đá bóng hay nức tiếng mà chơi thì cũng thuộc hàng "số má". Lại thêm vụ tiêu cực SEA Games 23...

Chẳng mất bao nhiêu thời giờ, chúng tôi tìm được ngay đến nhà Quốc Vượng. Ấn tượng ban đầu chỉ là những tia sáng nhờ nhờ toả ra từ một gian nhà gạch, không, chính xác hơn là 3 bức tường loang lổ đắp giấy dầu tạm bợ lên trên. Đây là bếp.

Kề ngay gian bếp là nhà thờ tổ, cũng lợp ngói sơ sài và được "gia cố" thêm bởi những tấm cửa cũ kỹ. Thấp thoáng sau những kẽ hở to gần bằng lòng bàn tay là chiếc Dylan màu đỏ "đun" - tài sản giá trị nhất còn sót lại từ thời lừng lẫy.

Chiếc xe máy đắt tiền và... ngạo nghễ chẳng ăn nhập gì với cảnh nhà bần hàn lúc này. Nó chỉ khiến cho ông Lê Quang, bố Vượng, thêm rầu rĩ.

Ông Quang năm nay 49, đúng tuổi "hạn" theo quan niệm của các cụ ta xưa. Khuôn mặt ông vừa có cái nét tinh nhanh của người từng chơi thể thao lâu năm, lại vừa toát ra cái vẻ ủ dột của người hay suy nghĩ, âu lo.

Nhìn "tổng thể" thì Vượng chính là "bản sao thứ thiệt" của ông Quang. "Chỉ khác tôi để ria mép chứ không lỏng chỏng vài cọng râu như thằng Vượng - nhìn thấy ghét". Nghe ông kêu ghét mà giọng đầy trìu mến!

Khỏi cần nói cũng biết người cha "tôn sùng" Vượng đến thế nào. Ông tự hào về con ngay từ những chuyện lặt vặt như "hắn thuộc vanh vách tên từng thằng cầu thủ quốc tế", ngay từ cái nết "đi học về quăng cặp sách là nhào vô sân bóng" cho đến cả cái tính ương ngạnh, bất cần giống mình.

Ông khen con... lười nhưng học giỏi, thông minh. "Chân hắn thì không ngon bằng tôi, bây giờ tâng bóng tôi vẫn "chấp" hắn luôn đó, nhưng cái đầu hắn sáng lạ. Hắn lại là thằng có chí.

Có lần Vượng và Minh Đức cùng bị đội trẻ Sông Lam cho nghỉ vì lý do không có khả năng phát triển. Tôi bảo hắn nhà ta không có tiền chạy cho con đâu, hắn chẳng nói năng gì, chỉ ngày ngày trần lưng ra đá ở cái sân cạnh sân tập. Rốt cuộc người ta phải gọi hắn lại, vì hắn có chuyên môn".

Ông Quang khoái nhất ở con cái tính thích gì là làm cho bằng được. "Hắn đi Gia Lai, nói vô đó con sẽ đá tốt, y rằng đúng như rứa". Ông còn tủm tỉm cười khi nhắc lại chi tiết sau mùa giải ấy, khán giả kéo đến bao vây trụ sở đội bóng ở Vinh, "biểu tình" đòi phải mang thằng Vượng về.

Trong căn nhà mái bằng chật chội mà hai vợ chồng ông đang ở, mọi nơi, mọi chỗ đều in dấu Quốc Vượng. Lịch, ảnh treo khắp tường, đồ lưu niệm, huy chương, bằng khen, giày bóng đá chất đống trong tủ kính. Đến cả cái nồi cơm điện cũng được thằng cháu dán chằng chịt hình ông chú "ngôi sao".

Vì con, ông Quang sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện, kể cả chấp nhận những điều vượt quá sức mình. Để phục vụ bà con làng xóm kéo đến xem tivi mỗi lần Quốc Vượng thi đấu, hai vợ chồng ông đã cắn răng vay mượn xây nhà.

"Trong mấy anh em, chỉ mình tôi là được ở nhà mái bằng thôi đó. Mà nhớ hồi đó cực quá, ban ngày thợ đã cắm mốc rồi, đêm đến tôi phải kéo cọc dịch vào, vì sợ thiếu gạch. Nhà hụt đi mất mấy chục phân, thế mà vẫn phải lần hồi lắp cửa, lát nền mãi về sau này".

Gian khó thế, nhưng mỗi khi ngồi xem Vượng chơi bóng là ông gần như... quên hết sự đời. Mùa V-League năm 2005, Vượng trở lại sau án treo giò và liên tiếp nhận được giải thưởng cầu thủ hay nhất trận, ông Quang như trẻ ra cả chục tuổi. Rồi các giải giao hữu của ĐT U-23 chuẩn bị cho SEA Games, Vượng cũng chơi ngày càng thăng tiến.

"Hắn được thưởng quà, rồi thưởng tivi quá chừng luôn, hết mang đi biếu các thầy lại tặng cho họ hàng người quen, cái thằng tính thảo. Tôi chỉ giữ lại một cái cho hắn, cộng thêm cái máy giặt, cái tủ lạnh hắn mang về nữa, để sau này hắn có nhà riêng thì đỡ phải mua. Cứ để đó chớ tôi đâu có dám dùng, mần chi có tiền trả tiền điện..."

...nhưng lập tức trở thành nỗi đau vô bờ sau SEA Games 23

Đùng một cái, chuyện tiêu cực nổ ra. Vợ chồng ông như chết đi sống lại mấy chục lần.

Ông Quang nhớ lại cái ngày con trai bị triệu tập ra Hà Nội, Vượng vẫn nói cứng: con không làm gì sai cả, con đi rồi con lại về. Tuy gật gật cho vững dạ, nhưng ông luôn thấy lo lắng cồn cào.

Hơn ai hết, ông hiểu tâm tính con mình. Thằng Vượng nhà ông không phải thằng xấu, nhưng có tật ham cờ bạc. Bao nhiêu năm đi đá bóng, chỉ có phần thưởng bằng hiện vật là Vượng mang về nhà, chứ gần như không đưa bố mẹ được đồng nào.

"Tôi cấm tiệt hắn chơi bời, đàn đúm với hội Phi Hùng, nhưng cấm chuyện nọ lại nảy ra chuyện kia, tôi làm sao theo được cả đời" - giọng người cha như rên lên.

"Mà trời xui đất khiến thế nào thằng Vượng lại nhúng tay vào việc tày đình thế này cơ chứ. Biết bao lần tôi bảo hắn nhà ta thì nghèo thật, nhưng đừng bao giờ kiếm những đồng tiền nhơ bẩn".

Chẳng biết từ bao giờ, ông Quang đâm "nghiện" báo. Ông cắt những bài viết ngợi ca thằng Vượng bỏ trân trọng vào hộc tủ. Khi "có chuyện", ông lại đăm chiêu theo dõi từng bước đi của con ngoài cơ quan điều tra.

Hôm Quốc Vượng phải tra tay vào còng, bà mẹ ngất lên ngất xuống. Ông thì đứng trân trân như tượng gỗ. Liên tục hàng tháng trời, ông bà hầu như không chợp mắt.

Người cha già ngày đêm mong ngóng

Thường ngày, ông Quang yếu hơn vợ vì ông bị đau lưng kinh niên, nhưng trải qua những ngày u ám đó, bà vợ suy sụp trông thấy. Ông đành gồng lên, vừa an ủi vợ, vừa chăm lo nhà cửa.

Tủi nhục, đau đớn, nghĩ suy, mái đầu ông chỉ qua vài bữa mà trắng đi một nửa. Lại thêm xót con, không biết trong trại ăn uống khỏ sở không, có bị hành hạ không? Tin đồn thằng Vượng chuyển hết Hà Tây lại về Hải Dương, nay đây mai đó, đúng thân phận thằng tù giam lỏng càng khiến ruột gan ông rối bời.

Có lẽ cả đời ông cũng không sao quên được cái giây phút công an ập đến khám nhà. "Khổ đời, tài sản nào có nhiều nhặn gì cho cam. Ai cũng tưởng tôi có thằng con nổi tiếng thì tiền để đâu cho hết, nhưng khám đi khám lại cũng chỉ có mỗi quyển sổ tiết kiệm, người ta mang đi".

Quyển sổ ấy lẽ ra cũng không có nốt. Sau SEA Games 22, ông Nguyễn Thành Vinh - khi đó còn là HLV phó trên đội tuyển về, đưa cho ông Quang 29 triệu đồng, bảo đó là tiền thưởng của Vượng, mang gửi tiết kiệm đi. Đến khi bị tịch thu, thì trong đó đã tăng lên thành 40 triệu đồng.

Suốt một thời gian dài, ông chẳng hề có tin tức gì về con. Cho đến ngày xử án trong TPHCM, họ hàng bên ngoại mới gom góp được ít tiền để ông vào thăm Vượng.

"Lúc ấy nhà túng quá, có bao nhiêu dốc hết ra thuê luật sư rồi. Tôi cũng tính làm đơn xin lại sổ tiết kiệm - vì trước người ta cũng hứa trả mà - nhưng lại không dám, sợ làm thế họ lại ghét thì khổ con mình".

Mấy ngày ăn chực nằm chờ ở đất Sài Gòn không khiến ông mệt mỏi bằng quãng thời gian chờ tuyên án. Ngồi nghe xét xử mà ông lúc nào cũng thấy trời đất quay cuồng. Đến lúc người ta phạt con ông 6 năm, đôi chân săn chắc của người cha từng đá tiền đạo "cứng" cho đội Sông Lam chợt bủn rủn, suýt khuỵu xuống.

Từ hôm ấy, gặp ai ông cũng phân trần như muốn khóc, rằng xử vậy thì khổ thân con ông quá. "Tôi có hiểu biết pháp luật chi mô, nhưng ngồi tù từng ấy năm thì còn gì là đời nữa hả con..."

Đúng một tuần sau khi ông Quang từ toà án trở về, chúng tôi có dịp ghé thăm. Ông ở nhà một mình, bởi bà vợ đã theo Huy Hoàng và Văn Quyến vào Sài Gòn thăm Vượng.

lấy công việc để khuây khỏa

Có vẻ như ông đã trấn tĩnh lại phần nào, bởi theo ông, điều mừng nhất là Vượng vẫn khoẻ mạnh. 

Ở TPHCM, ông chỉ gặp được Vượng ít phút, nói qua loa vài câu chuyện. Qua song sắt, Vượng cởi áo cho ông xem.

"Vẫn ngực nở, bụng hóp, thế là được. Ngồi đó cả năm trời, hắn tăng thêm đâu được 2 ký cơ đấy. Mà trắng trẻo, bận áo trắng trông cũng bảnh trai ra phết. Chẳng bù cho hồi đá bóng, râu tua tủa, má tóp lại" - ông khoe với tôi mà như mếu.

Cũng với những lời như thế, ông mang về kể cho vợ. Bà giãy nảy lên, khóc lóc rằng ông lừa bà để bà yên tâm, ai lại đi tù mà béo ra cho được.

"Tôi nói mãi bà ấy chẳng tin, thế là thằng Hoàng (Huy Hoàng) mua vé cho bà vào tận nơi thăm rồi. Hồi chiều bà mới gọi điện ra, mừng lắm. Mang được cho con cân thịt bò với gói ruốc, hắn lại thèm ăn hoa quả chi đó, tội hắn".

Trong suy tính đơn giản của người cha, chuyện phúc thẩm cho Vượng giờ bớt được năm nào hay năm đó. Nhưng cái ấy không quan trọng bằng việc làm sao chạy cho con về được trại giam Thanh Chương hay Nghi Kim ở gần nhà, tiện thăm nuôi.

"Vượng con, khi mô con về???"

"Lúc nghe tuyên án, hắn có vẻ suy sụp lắm. Nhưng giờ thì bình tâm rồi". Ông Quang cũng mừng bởi con cứng cỏi.

Hôm gặp Vượng, ông cũng chỉ kịp kể sơ sơ việc cô người yêu cũ của Vượng, giờ sắp tốt nghiệp và cũng chuẩn bị "có phương án mới". "Nói vậy là hắn hiểu. Cũng buồn, nhưng hắn bảo con thanh thản lắm, người ta con gái có thì, phải để người ta lo tương lai chứ".

Từ hôm được thăm con, ông Quang thấy đời sáng hẳn ra. Nhất là ông thấy Vượng đã biết ăn năn, hối cải. Ông chỉ nhắc khẽ, "bị thế này con đã thương cha mẹ chưa", thấy Vượng nước mắt ngắn dài, ông vừa mừng vừa tủi không thốt được ra câu gì nữa.

Bây giờ, sáng nào cũng vậy, ông vẫn dậy đun nồi cám, khói cay xè khoé mắt mà nghĩ nhớ con. Nhưng đã nguôi ngoai nỗi tủi cực đi nhiều. Ông bấm đốt ngón tay mà tính, thằng Vượng đã đi được hơn 1 năm, lại thêm ân xá nếu cải tạo tốt, xoay mấy lứa lợn nữa là con ông lại về.

"Xưa nay vẫn thế, vợ chồng tôi chủ yếu sống nhờ đàn lợn. Giờ gánh thêm cả việc chăm lo cho hắn nữa nên càng phải cố.

Vất vả đấy, nhưng còn có niềm vui, vì biết đâu hắn ngồi tù như thế, chúng tôi đỡ mất đứa con"!

Theo Thanh Phương - Anh Đức
Vietnamnet