Viettel: Những người lính ‘chiến đấu’ thời bình (P2)

Chọn những hướng đi khó khăn, thách thức nhất nhưng đúng tầm thời đại, đúng theo năng lực lõi, tôi muốn gọi, đó là tinh thần người chiến binh đã và đang chiến đấu trong thời bình, chiến đấu trên thương trường vững bước trong hội nhập.

> Viettel: Những chiến binh - doanh nhân (P1)

Từ trách nhiệm xây dựng, vận hành khai thác mạng hạ tầng viễn thông, Viettel ngay từ đầu xác định phải cố gắng làm chủ hoàn toàn công nghệ hiện đại và phức tạp. Viettel đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực quản lý của Tập đoàn để điều hành cả trong nước và quốc tế.

Và cũng chính từ nhu cầu nội bộ trong quản lý tập đoàn, Viettel đã đưa vào ứng dụng 52 sản phẩm thuộc lĩnh vực viễn thông và 10 sản phẩm thuộc lĩnh vực doanh nghiệp, tạo ra được danh mục sản phẩm có thể triển khai “bán” cho khách hàng ngoài Viettel. Hơn 40 sản phẩm phần mềm được đăng ký bản quyền, 10 sản phẩm được giải Sao Khuê, hầu hết các sản phẩm được triển khai tại 7 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Peru, Haiti, Mozambique, Đông Timor…

Đội ngũ gần 1.000 kỹ sư phần mềm, lập trình viên hoạt động thường xuyên giúp Viettel bảo vệ được tài sản trí tuệ, chủ động phát triển công nghiệp phần mềm. Một số sản phẩm phục vụ dịch vụ công như phần mềm quản lý quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp, hải quan điện tử… đã được triển khai và đưa vào ứng dụng.

Với chính sách thu hút đặc biệt nhân tài khoa học, kỹ thuật có trình độ cao, phẩm chất tốt về làm việc tại các đơn vị, 3 năm qua, Viettel đã thu hút 100 chuyên viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó, nhiều người đã từng làm việc tại các công ty đa quốc gia. Nhiều người trong số này có tuổi đời khá trẻ, người “già” nhất mới 33, người trẻ nhất mới 26, chỉ được đào tạo trong nước nhưng đã phát huy được năng lực, tạo ra các sản phẩm có tính năng và chất lượng tương đương các sản phẩm khác do nước ngoài sản xuất.

Tài sản quí giá nhất của Viettel đang tăng lên không ngừng: từ lượng nhân sự chỉ có 100 người năm 1989, đến nay, Viettel đã có gần 25.000 cán bộ công nhân viên; trong đó có gần 60% có trình độ Đại học và trên Đại học. Đặc biệt, Viettel đã thu hút và thông qua thực tiễn đào tạo được trên 4.000 kỹ sư, trong đó có trên 100 kiến trúc sư, kỹ sư đầu ngành có khả năng khai thác làm chủ công nghệ, có khả năng nghiên cứu, sản xuất và làm chủ thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị quân sự.

Những ngày này, đi đến vùng sâu vùng xa nông thôn sông nước Nam Bộ hay miền Trung nắng cháy, chúng tôi mang những cuốn phim về tình yêu thiên nhiên, đông vật, cha mẹ, gia đình đến với các cháu thiếu nhi, và khi thi vẽ với nhau, bên cạnh ảnh con gà con trâu thường ngày cùng sống, các cháu vẽ các sản phẩm Việt Nam và cả chú bộ đội cầm súng. Viettel đã mang sóng viễn thông, mạng Internet đến tận nông thôn xa xôi Campuchia, Lào, Mozambique, Viettel cần phủ kín mạng Internet cho trẻ con Việt Nam trên núi, trong những thôn bản xa xôi.

Chuyện ấy có xa xôi không, khi các cháu còn chưa có “Cơm có thịt”? Nhưng chuyện ấy thực sự lay động lòng người và chắc chắn lay động tấm lòng những người lính luôn biết coi việc kinh doanh của mình là bao gồm trách nhiệm lương tâm chăm lo tận tụy cho công đồng. Nay Viettel đã phủ gần kín các thôn xã xa xôi, mỗi xã một người chăm lo cho mạng lưới viễn thông và Internet, sắp tới cả dịch vụ truyền hình, thì sao chúng ta không có quyền đặt hàng và hi vọng?

Tôi có bằng chứng, hay nói cách khác, sự bảo đảm rằng Viettel sẽ có những lựa chọn đúng, như đã chọn đường theo cách đi riêng của mình, nhất quán, kiên định. Không có những rẽ hướng theo “phong trào” kiếm tiền thật khủng thật nhanh tại những khúc quanh thời cuộc kinh tế bằng chiếm đất, phá rừng, đào khoáng…

Chọn những hướng đi khó khăn, thách thức nhất nhưng đúng tầm thời đại, đúng chức năng, đúng theo năng lực lõi, đúng với xu thế mới của hội nhập: đầu tư bền vững, đẩy mạnh sáng tạo khoa học và công nghệ, kinh doanh luôn bảo vệ môi trường chăm lo cộng đồng, phát triển tài sản quí nhất là con người. Tôi muốn gọi, đó là tinh thần người chiến binh đã và đang chiến đấu trong thời bình, chiến đấu trên thương trường vững bước trong hội nhập.

Chắc chắn đã có những vấp ngả, những thất bại và người lính biết chấp nhận thất bại, lại dẫm lên chông gai ắt có dọc đường mà đi tiếp, vững tin vào hướng đi đúng của mình. Ba lô hay Samsonite, sa bàn chiến đấu hay ERP và hàng loạt kỹ năng quản trị hiện đại, người lính vẫn lên đường, lòng biết cái giá của máu xương, món nợ với đồng bào mình vả gánh nặng khắc nghiệt của tương lai không thua thiệt bạn bè thế giới.

Làm lính bảo vệ Tổ quốc đã khó, làm lính trên mặt trận kinh tế, sản xuất kinh doanh góp phần phát triển đất nước càng khó… Nhưng đất nước thực sự tự hào về Người Viettel - những chiến binh doanh nhân là những người con hiếu để, thông minh, giỏi giang và chính trực.

> Viettel: Sắp trình làng máy bay không người lái

> Phủ sóng trên con đường mang dáng hình Tổ quốc

(Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VNCLC,

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN)

Theo VnEconomy

Theo Đăng lại