Tiếp tục phát hành cổ phiếu
Sáng 28/6, Vietnam Airlines tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, với nhiều quyết sách lớn được cổ đông thông qua.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thông tin, hiện thị trường hàng không nội địa đã vượt cả giai đoạn chưa có dịch COVID-19, nhưng thị trường quốc tế vẫn chưa như kỳ vọng. Trong 6 tháng qua, khách nội địa tăng hơn 7% so với năm 2019, nhưng giá vé bình quân chỉ bằng 85% thời điểm chưa có dịch. Với bay quốc tế, hiện số đường bay khai thác chỉ bằng 53% khi chưa có dịch, các thị trường khách chính vẫn có nhiều hạn chế, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga. Dự báo phải tới cuối năm 2023 bay quốc tế mới phục hồi hoàn toàn. “Sự phục hồi của thị trường quốc tế đặc biệt quan trọng với Vietnam Airlines, khi các đường bay này trước dịch đóng góp tới 65% doanh thu của hãng”, ông Hà thông tin. Cùng với giá nhiên liệu tăng cao (hiện đã lên ngưỡng 162 USD/thùng), hãng xây dựng kế hoạch năm nay công ty mẹ lỗ khoảng 9.300 tỷ đồng.
Về giải pháp giảm lỗ, âm vốn chủ sở hữu, nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết: Sau 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, lỗ lũy kế tới hết năm 2021 của hãng đã xấp xỉ 1 tỷ USD. Năm vừa qua, hãng đã nhận được hỗ trợ từ nhà nước, với gói 12.000 tỷ đồng, trong đó có 8.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu, nên vẫn đảm bảo điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. “Hết quý 1/2022, hãng đã âm vốn chủ sở hữu. Vietnam Airlines có 2 đề án lớn để tái cơ cấu tổng thể, trong đó có các giải pháp để tăng thu, tiếp tục tăng vốn điều lệ để không bị âm vốn chủ sở hữu trong năm 2022. Chúng tôi đã báo các cấp thẩm quyền hy vọng sớm được các bộ ngành và Chính phủ phê duyệt”, ông Hiền nói. Vietnam Airlines cũng cho biết, sẽ tiếp tục bán 29 máy bay đã khai thác nhiều năm để có thêm dòng tiền và giảm chi phí khai thác, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Kết thúc năm tài chính 2021, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất trước thuế 12.965 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ trước thuế 11.833 tỷ đồng. Số lỗ này đều tăng cao so với năm 2020, nhưng thấp hơn kế hoạch của năm. Tới hết năm vừa qua, nợ phải trả của hãng hàng không này tăng lên mức 52.767 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 61%.
Năm 2022, Vietnam Airlines dự kiến tổng doanh thu hơn 45.000 tỷ đồng (tăng gấp đôi năm trước), công ty mẹ vẫn lỗ hơn 9.300 tỷ đồng. Theo ông Trần Thanh Hiền: Thị trường phục hồi, doanh thu tăng, nhưng giá nhiên liệu tăng nhanh hơn, nên chưa thể thoát lỗ. Chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 50% tổng chi phí của hãng.
Sẵn sàng thoái hết vốn tại Pacific Airlines
Hiện hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines do Vietnam Airlines nắm hơn 98% cổ phần, nhưng cả 2 hãng đều gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19, nên Vietnam Airlines đang thực hiện các bước đi để rút vốn khỏi hãng hàng không giá rẻ. “Đến thời điểm này (tháng 6/2022), tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động”, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa thông tin. Năm 2021, hãng hàng không giá rẻ lâu đời nhất Việt Nam tiếp tục lỗ 2.308 tỷ đồng. Do đó, Vietnam Airlines cố gắng duy trì hoạt động bay tối thiểu của Pacific Airlines để chờ tái cơ cấu, tìm nhà đầu tư thoái vốn. Tuy nhiên, quá trình thoái vốn này gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan tới doanh nghiệp nhà nước.
Ông Lê Hồng Hà cho biết, Vietnam Airlines sẵn sàng giảm tỷ lệ sở hữu tại Pacific Airlines về mức 30%, thậm chí rút toàn bộ cổ phần, không nắm giữ cổ phần chi phối tại Pacific Airlines.
Ông Trần Thanh Hiền cũng chia sẻ, đã có nhà đầu tư tiềm năng quan tâm mua cổ phần Pacific Airlines. Tuy nhiên, những vướng mắc về định giá tài sản, phương thức chào bán (thỏa thuận, hoặc đấu thầu) cần xin ý kiến cơ quan chức năng. “Do Pacific Airlines lỗ lũy kế kéo dài, nên việc chuyển nhượng vốn ra sao, theo quy định nào? Vấn đề này rất vướng. Chúng tôi đang báo cáo cấp thẩm quyền để xin cơ chế nhằm chọn được nhà đầu tư trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng quy định”, ông Hiền nói.