Việt Nam xếp thứ 14 về tài chính toàn diện nhưng người yếu thế vẫn khó tiếp cận vốn

Việt Nam được đánh giá là có những bước tiến lớn trong thúc đẩy tài chính toàn diện, được xếp ở vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN và xếp thứ 14 trên thế giới. Tài chính toàn diện đang giúp nhiều trường hợp khó khăn, doanh nghiệp siêu nhỏ vay được vốn để phát triển. Tuy nhiên, đông đảo người dân, doanh nghiệp “yếu thế” này vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn.

Kết quả trên được nêu trong bảng xếp hạng Chỉ số Tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal Financial Group. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 87% người trưởng thành ở nước ta đã có tài khoản thanh toán, tăng 31% từ năm 2015 - 2017.

Tuy vậy, tại buổi công bố “Thúc đẩy Tài chí toàn diện ở Việt Nam và vai trò của FinTech trong phối hợp với Tổ chức tín dụng” do Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY) tổ chức ngày 28/11, đại diện EY cho biết: Tiến trình tài chính toàn diện vẫn phải đối mặt thách thức do khoảng cách về hạ tầng tài chính, việc tiếp cận kênh tín dụng chính thống, vấn đề chấm điểm tín dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh...

Thông cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hơn 62% dân số đang sống ở nông thôn và vẫn gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thống.

Theo khảo sát của EY, trong nhóm đối tượng khó tiếp cận vay vốn từ ngân hàng thì 42% người được hỏi trả lời đã từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay của người quen, vay nặng lãi, chơi hụi... trong vòng một năm trở lại đây. Những người này phải đối mặt với chi phí cao và rủi ro tài chính lớn. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng truyền thống, do không đủ tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng không đầy đủ.

Theo khảo sát của EY, nhiều người khó tiếp cận vay vốn từ ngân hàng. Ảnh: Quyền Thành.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ Phần MISA - chia sẻ, các ngân hàng truyền thống thường đặt ra nhiều yêu cầu đối với sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm vay vốn. Những khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chỉ sử dụng các sản phẩm tài chính ngân hàng hạn chế thường không đáp ứng được tiêu chí xét duyệt theo yêu cầu như: không có lịch sử tín dụng, không có dòng tiền được ghi nhận qua ngân hàng... Do đó, họ khó tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm và dịch vụ của các tổ chức tín dụng truyền thống.

Ông Đỗ Quang Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ứng dụng tài chính momo - kể, khi còn làm ở một ngân hàng, ông từng nghe những cuộc điện thoại của công nhân gọi hỏi rằng, họ muốn vay vài triệu đồng để gửi về quê hỗ trợ gia đình, hoăc vay 10 triệu đồng để mua xe máy... Trong khi đó, những khoản vay nhỏ như vậy các ngân hàng không thể đáp ứng... Những người “yếu thế” với nhu cầu cấp bách đã phải đi vay tín dụng “đen”, vay cầm đồ với lãi suất rất cao.

Làm thế nào để giảm tình trạng cho vay nặng lãi, chơi hụi, và giảm cả tình trạng người yếu thế không tiếp cận được ngân hàng? Ông Vũ Thành Trung - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân Đội - cho biết, trong khi hoạt động cho vay trên mạng (vay qua app-PV) vay cầm đồ lãi suất có khi lên đến vài trăm %, còn ngân hàng cho vay lãi suất chỉ 20% đã là mơ ước.

Thực tế, các doanh nghiệp FinTech (công ty xây dựng nền tảng tài chính số) đã tiếp cận được nhiều khách hàng và đáp ứng được các khoản vay nhỏ. Rất nhiều người dân nghèo ở vùng nông thôn khó khăn nhờ được Nhà nước đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, phủ sóng di động, internet tốt hơn nên tiếp cận được các gói vay nhỏ, thực hiện chuyển tiền, thanh toán hóa đơn dễ dàng hơn.