Vì sao Hoa hậu Thế giới không thi áo tắm?

TPO - Bà Julia Morley - chủ tịch Miss World muốn các thí sinh Hoa hậu Thế giới học được cách tỏa sáng mà không cần phải cởi đồ. Với bà, phụ nữ nên được đề cao ở vẻ đẹp trí tuệ, sự thanh lịch thay vì phô trương hình thể.

Ngày 27/2, chuyên trang sắc đẹp Missosology đăng tải những quan điểm của bà Julia Morley - chủ tịch cuộc thi Miss World liên quan đến việc cuộc thi Hoa hậu Thế giới không tổ chức phần thi bikini.

Theo đó, bà Julia Morley muốn các thí sinh học cách tự tin, toả sáng mà không cần phải cởi đồ trên sân khấu. Với bà, phụ nữ nên được đề cao ở vẻ đẹp trí tuệ, sự thanh lịch thay vì phô trương hình thể.

Quan điểm này tiếp tục dấy lên những tranh cãi trong giới mộ điệu quan tâm tới cuộc thi sắc đẹp. Nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nữ chủ tịch Miss World cổ hủ và cực đoan.

Miss World khởi nguồn là cuộc thi bikini.

Biểu tình vì thi áo tắm

Miss World vốn là một cuộc thi bikini. Năm 1951, Eric Morley (cũng chính là chồng của bà Julia) đã tổ chức sự kiện trình diễn trang phục bikini tại sông Thames, Anh để quảng bá cho những mẫu áo tắm mới nhất khi đó. Sự kiện có sự tham dự của 26 người đẹp.

Vào thời điểm năm 1951, việc đưa một phụ nữ diễn bikini trên sân khấu đã khiến thế giới sốc, báo chí thay nhau đưa tin. Rất nhiều người dân ùn ùn kéo đến sông Thames để xem cuộc biểu diễn. Cuộc thi Miss World - Hoa hậu Thế giới cũng khai sinh từ đó.

Năm đó, người đẹp Kiki Hakansson của Thụy Điển đăng quang ngôi vị cao nhất, trở thành Hoa hậu Thế giới đầu tiên.

Trong những năm 1970, Miss World đối mặt nhiều hoạt động biểu tình của các tổ chức nữ quyền.

Tuy nhiên, khởi đầu của Miss World không hề suôn sẻ. Trong những năm 1970, Miss World liên tục đối mặt nhiều hoạt động biểu tình của các tổ chức nữ quyền.

Năm 1970, khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới đang diễn ra, có tới 400 phụ nữ tụ tập ở bên ngoài khu vực sân khấu để phản đối. Họ hô vang khẩu hiệu: "Chúng tôi không đẹp, chúng tôi không xấu, chúng tôi đang nổi giận".

Trước nhiều sức ép từ các cuộc biểu tình, format của Hoa hậu Thế giới đã phải thay đổi. Từ một cuộc thi bikini thì Miss World chỉ còn một phần thi dành cho áo tắm, bên cạnh đó thí sinh phải trình diễn váy dạ hội và tham gia phần thi phỏng vấn.

Năm 1974, bà Julia Morley bắt đầu khởi động khẩu hiệu "Sắc đẹp vì mục đích cao cả", hướng công chúng tới vẻ đẹp bên trong của thí sinh thay vì khoe hình thể. Cũng từ đây đã đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Hoa hậu Thế giới.

Phụ nữ không cần khoe cơ thể

Sau nhiều năm tồn tại, cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2014 khiến công chúng ngỡ ngàng khi không có bất kỳ phần trình diễn áo tắm nóng bỏng nào trên sân khấu. Năm 2015, phần thi Người đẹp biển không diễn ra công khai mà các thí sinh chỉ tham gia một buổi chụp hình riêng để ban giám khảo chấm điểm.

Chia sẻ về lý do hủy bỏ phần thi áo tắm, bà Julia Morley nói: "Tôi không cần nhìn những phụ nữ đi lên đi xuống trong những bộ bikini. Nó không có tác dụng gì với với bất cứ ai trong chúng ta".

Mặc dù đã khai tử phần thi bikini, cuộc thi Miss World vẫn có số lượng thí sinh đông đảo nhất hiện nay. Có thể nói, Hoa hậu athế giới vẫn là một trong những cuộc thi nhan sắc hấp dẫn nhất hành tinh.

Bà Julia Morley: “Phụ nữ không cần phô bày cơ thể của họ theo cách đó. Chúng ta sẽ bị hấp dẫn hơn bởi sự thông minh, thanh lịch của họ thay vì một cơ thể gợi cảm".

Nếu Miss Universe lấy khẩu hiệu Beautifully Confident - Vẻ đẹp tự tin thì khẩu hiệu của Miss World là Beauty with a purpose - Sắc đẹp vì mục đích cao cả. Có thể hiểu, Miss Universe thu hút khán giả bởi vẻ đẹp nóng bỏng, sắc sảo của thí sinh thì Miss World chạm tới trái tim công chúng bởi những người đẹp có tấm lòng nhân hậu.

Dù nhiều người vẫn cho rằng nữ chủ tịch Miss World bảo thủ, cực đoan và việc không có phần thi áo tắm khiến cuộc thi kém hấp dẫn, Hoa hậu Thế giới vẫn là cuộc thi nhan sắc được nhiều triệu khán giả đón đợi hàng năm.

Bà Julia truyền tải thông điệp tới những người vẫn còn nghi ngờ về mục đích của cuộc thi Miss World: “Phụ nữ không cần phô bày cơ thể của họ theo cách đó. Chúng ta sẽ bị hấp dẫn hơn bởi sự thông minh, thanh lịch của họ thay vì một cơ thể gợi cảm. Chúng tôi hạnh phúc vì khiến phụ nữ cảm thấy thoải mái và tự tin vào bản thân họ như một con người toàn diện".

Đánh giá về cuộc thi Miss World hiện nay, tờ Elle nhận định: "Trong thời đại ngày nay, khi chuyện cởi đồ trên các tạp chí đã trở nên phổ biến, cơ thể phụ nữ được phô bày trên truyền hình không còn là chuyện gây sốc, Julia Morley đang tiên phong tạo bước chuyển biến mới cho nền công nghiệp sắc đẹp, để việc đánh giá phụ nữ không phải là bằng đường cong cơ thể qua các bộ bikini".